Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

Cách trình bày tốt trong hội nghị

Thỉnh thoảng nhận được thư của các bạn từng theo học trong những workshop về “kĩ năng mềm” làm tôi … ấm lòng. Mấy lần trước, tôi đã chia sẻ với các bạn về những trường hợp mà học viên ứng dụng thành công những gì tôi hướng dẫn, hôm nay xin trích một thư của một học viên thành công, và cũng nhân cơ hội này trả lời ngắn cho em ấy luôn.
Email viết (trích):
Em là L, đã tham gia 2 workshop của Thầy tại Tp.HCM, những workshop của Thầy rất bổ ích và "đúng" vào thời điểm em đang cần. Sau workshop viết bài báo khoa học, em đã có 1 accepted paper, mới đây, workshop về trình bày báo cáo trong hội nghị, em có đặt câu hỏi cho thầy, lúc đó em đang băn khoăn có nên tham dự hội nghị KH & trình bày bài accepted paper của mình được không, lúc đó em cũng đang xin tài trợ kinh phí đi dự hội nghị từ NAFOSTED, bây giờ đã được chấp nhận (trong workshop em có hỏi Thầy về các tổ chức nào có tài trợ cho sinh viên ra nước ngoài tham dự hội nghị). Chỉ có điều họ sẽ chi trả sau khi em đi về, vé máy bay họ đã book cho em, em thấy cũng hơi rắc rối, chi phí tham dự conference, book hotel ...

Em viết email 1 là muốn cám ơn Thầy, hy vọng sau này có cơ hội học với Thầy vì Thầy chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm quý báu, 2 là xin hỏi Thầy kinh nghiệm để em trình bày tốt trong hội nghị, ngày mai là em bay rồi thưa Thầy, vì thời gian cấp bách, Nafosted chấp nhận cách vào đầu tuần này ( thứ 2), cuối tuần em đã bay, ít có thời gian chuẩn bị, nên em chưa thực hành tập nói gì nhiều ạ.

Em thường xuyên đọc trang web của Thầy, em nhớ câu: Làm gì thì làm, nhưng không được làm mất mặt người Việt Nam :)
Chúc Thầy sức khỏe.

Tôi thường đặt ra một mục tiêu cho mỗi workshop tôi làm là phải có outcome. Outcome ở đây có lẽ nên dịch là thành quả. Học viên sau khi xong khoá học phải có thành quả, như công bố được bài báo khoa học (đây là chỉ tiêu tham vọng nhất, nhưng tôi phải đặt ra). Trong quá khứ đã có nhiều em và đồng nghiệp làm được điều này và thế là nâng cao năng suất khoa học cho Việt Nam. Có em làm được chỉ nhờ đọc những bài viết trên web chứ không có điều kiện tham dự trực tiếp trong các workshop. Nói thật lòng, đó là những thành quả tôi lấy làm tự hào và là động cơ để tiếp tục làm những việc như thế này. Có lần tôi nói trong workshop về trình bày là mấy em bây giờ giỏi hơn tôi mấy chục năm trước, vì các em nói tiếng Anh một cách tự tin, biết thực hành đúng bài bản những gì được hướng dẫn. Đó là nhận xét chân tình, chứ không phải “ngoại giao”.   Đây là những người sẽ giúp Việt Nam hội nhập quốc tế về khoa học trong tương lai.
Em L hỏi cách nào để trình bày tốt. Tôi chỉ có thể khuyên nhanh như thế này:
1. Tìm hiểu khán giả trong hội nghị là ai. Nếu là hội nghị quốc tế thì chắc trong khán giả có người là bậc thầy cô của mình, có người cũng như mình (tức nghiên cứu sinh), nói chung là đa dạng, thì em nên tập trung vào nghiên cứu của mình. Cố tránh những slide mang tính lên lớp (vì mình chưa ở vị trí dạy thầy cô mình) hay những kiến thức kinh điển (vì sẽ làm cho người ta cười mình là trẻ con). Nên đi thẳng vào vấn đề, không nên loanh quanh làm mất thì giờ người khác.
2. Xác định “money slide”. Như tôi có nói trong workshop trước, mỗi bài nói chuyện trong hội nghị phải có cái gọi là money slide, tức là slide có dữ liệu quan trọng nhất, dữ liệu định hình cái nghiên cứu của mình. Đó là slide ăn tiền, slide mà khi họ về nhà vẫn còn nhớ đến mình.  Tất cả các slides khác phải được soạn để yểm trợ cho cái money slide.
3. Khi soạn slides, nhớ đến qui ước n x n. Mỗi slide (nếu text) chỉ nên có khoảng 5-6 dòng thôi, và mỗi dòng nên giới hạn 5-6 chữ. Điều chỉnh số chữ bằng cách chọn font size thích hợp. Nhớ chọn font không chân! Nhớ chọn màu cho thích hợp. Nếu phòng rộng thì chọn màu nền là xanh đậm và chữ trắng hay vàng; nếu phòng hẹp thì chọn màu nền là màu sáng (trắng) và chữ đậm. Nếu có thể, cố gắng dùng nhiều biểu đồ và hình ảnh thay vì dùng slides bằng chữ.
3. Thực hành. Nên nhớ mỗi slide chỉ có 1 phút là tối đa. Nếu người ta cho em 15 phút thì em nên có tối đa là 15 slides. Thực hành nói rất quan trọng. Em nên làm như sau:
  • Cách hay nhất là em soạn (viết ra) toàn bộ bài nói chuyện. Trong bài nói chuyện, em soạn luôn câu mởi đầu, và những câu quan trọng cho từng slide.
  • Soạn xong, em nên học thuộc lòng (nếu được), vì tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ nên học thuộc lòng cho … chắc ăn.
  • Thực hành nói: em đứng trước kiếng hay gì đó và thực hành nói, xem có đúng giờ không. Khi đã ok, em mời vài đồng nghiệp vào nghe em nói và đề nghị họ theo dõi giờ, theo dõi điệu bộ xem có ok không.
  • Không bao giờ chủ quan! Trước ngày trình bày, em nên thức sớm và thực hành (trước khi đi ăn sáng!) Ăn sáng xong thì thực hành khó lắm. Ngay trước khi trình bày em vào phòng Speaker (trong hội nghị quốc tế có những phòng dành cho speakers), xem lại slides xem có hình ảnh nào "trật đường rầy" hay những câu chữ nào cần thêm/bỏ, và thực hành một lần nữa.
  • Khi đã ok, em bỏ slide ra, và nghĩ đến tình huống bị cúp điện và em vẫn nói như phây! (Học thuộc lòng rồi, nên chuyện trục trặc kĩ thuật chẳng có vấn đề gì cả).
4. Tập nói. Khi nói, nên nhớ câu đầu là lúc nào cũng cám ơn ban tổ chức và khen thành phố mình đến dự một chút :-). Chẳng hạn như: Thank you, Mr chairman, for your kind introduction. Thank you the organizing committee for giving me an opportunity to come to this BEAUTIFUL CITY and present my work concerning [tựa đề bài báo cáo]. Vạn sự khởi đầu nan: câu mở đầu rất quan trọng. Nếu câu mở đầu trôi chảy, xác suất cao là bài nói chuyện sẽ suôn sẻ. Nếu thành phố em đến có một sự cố nào đó (như Bangkok bị bão lụt chẳng hạn) em nên nói một câu chia buồn với người ta.  Nói được như thế em sẽ gây cảm tình ở khán giả ngay!  Nếu em tự tin khả năng tiếng Anh của mình, có thể nói một câu pha trò để khán giả thức dậy. Dĩ nhiên là nếu chia buồn thì tuyệt đối không được pha trò.
Khi chuyển từ slide này sang slide khác, em nên dùng nhiều kĩ thuật transition như có đề cập trong workshop.  Chẳng hạn như trước khi chuyển sang slide khác, em nói "In the next slide, I will show .." hoặc "Shown in the next slide is ..." và tay thì đã bấm, xong câu là slide hiện lên ngay.  Làm như thế bài nói chuyện của em sẽ trôi chảy, không đứt đoạn một cách buồn cười.  Khi thấy khán giả có người ngủ, em nói một câu vực họ dậy, như I would like to ask you to pay attention to this figure (nói lớn và nhấn mạnh), hoặc this slide is very important, because ..., hoặc This result is quite remarkable ... Nói bằng giọng nhấn mạnh, chậm nhưng chắc!
5. Câu hỏi. Khi nói xong, em nên có một câu mời gọi người ta đặt câu hỏi. Một cách nói đơn giản là: Thank you for your attention. I would be happy to discuss with you about any point that is not clear in my presentation. Không trốn tránh câu hỏi.  Trước khi trả lời, cám ơn người đặt câu hỏi (thank you for your interesting question). Nếu câu nào khó quá thì nói sẽ bàn thêm hay hỏi trong khán giả có ai biết thì trả lời hộ.  Nếu người hỏi muốn "kiếm chuyện" thì nên bình tĩnh và tỏ ra mình cao hơn họ bằng cách nói rằng "MY VIEW is that .... MY VIEW may not be consistent with yours, but it is consistent with evidence".  Nhấn mạnh là MY VIEW bằng cách nói chậm và lên giọng. Nếu còn ngoan cố hỏi nữa, thì em nói là chúng ta đồng ý là bất đồng ý kiến (we agree to disagree on this point, thank you). 


Nên nhớ là slide cuối cùng phải có cám ơn (acknowledgements). Cần nói thêm là ở VN tôi thấy người ta ít khi cám ơn ai, làm như tất cả dữ liệu là chỉ do họ khám phá ra! Em phải tỏ ra “văn minh” là cám ơn đồng nghiệp và bất cứ ai giúp mình làm được cái nghiên cứu. Ai đó cho tiền em đi dự hội nghị, em phải cám ơn người ta trong slide. NAFOSTED cho tiền thì phải cám ơn họ một cách trịnh trọng. Chẳng những trong slide mà còn phải nói rõ ràng. Cám ơn ban tổ chức đã cho em cơ hội trình bày (ví dụ: I also thank the organizing committee for giving me an opportunity to present my data here in this conference).
Đó là vài lời khuyên nhanh cho em và các bạn. Hi vọng và chúc các bạn một buổi trình bày thành công.
NVT
Nguon NVT

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

34 Vấn đề tên (tiếng Anh) trường đại học

Vấn đề tên (tiếng Anh) trường đại học

Hôm qua, một anh bạn vong niên ở Hà Nội nêu vấn đề tên tiếng Anh của trường đại học Việt Nam. Anh viết “Chúng ta có ĐHQG ở Hà Nội và Tp HCM, dưới đó lại có các universities, hoặc schools các tác giả đặt tên cơ quan mình một cách tùy thích. Ngay như ĐH Sư Pham mỗi người có các viết của mình, khi thì Education Colledge, teaching univ. v.v.. Nhìn sang Thái Lan, họ chỉ cần một tên Chulalongkorn Univ., truy cập vào đây sẽ có đầy đủ. Nghe nói ở ta bây giờ quy đinh rất rõ hai từ Đại học QG và đưới đó là trường ĐH, người nước ngoài chẳng hiểu làm sao cả.” Đây là vấn đề mà tôi cũng … bức xúc, và đã từng lên tiếng một hai lần qua trong blog cá nhân.

Tôi thấy vấn đề tên tiếng Anh của các trường đại học nước ta (tôi chỉ giới hạn các trường lớn) có thể tóm gọn trong các điểm sau đây:

Thứ nhất là thiếu tính hệ thống. Điển hình cho tính này là sự tùy tiện trong mô thức “University of ABC” và “ABC University”, trong đó ABC là tên của một địa phương. Mô thức đầu được xem là nghiêm trang hơn mô thức thứ hai. Chẳng hạn như Đại học Cần Thơ lấy tên là “Can Tho University” hay “Binh Duong University”, thay vì “The Univeristy of Can Tho” hay “The University of Binh Duong”.

Thứ hai là nhập nhằng danh từ riêng và danh từ chung. Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội là “Hanoi University of Agriculture”, nhưng ở TPHCM, Đại học Nông Lâm thì “Nong Lam University”. Theo tôi hiểu “Nông Lâm” là nông nghiệp và lâm nghiệp, tức là danh từ chung chỉ ngành học tiếng Việt (không phải tiếng Anh), nên tôi thấy phân vân với cách đặt tên này. Cứ như công thức này thì Đại học Bách khoa hay Đại học Công an phải là “Back Khoa Univerisity” hay “Cong An University” chăng? Không ổn!

Thứ ba là tên trường Vietnam National University. Thật ra, tên trường chẳng có gì sai, nhưng tôi vẫn thấy phân vân và lấn cấn. Tôi tự hỏi tại sao không là “Vietnamese National University” để nhấn mạnh đây là đại học của người Việt Nam, cũng giống như Úc họ có Australian National University (ANU) vậy.

Thật ra, cách đặt tên Vietnam National University của ta chẳng giống ai trên thế giới. Ở Đài Loan, người ta để chữ National đầu làm tính từ: National Taiwan University. Ở Singapore, người ta để tên nước sau cùng và nhấn mạnh "of Singapore": National University of Singapore. Hay như ở Philippines, người ta có tham vọng quốc tế hóa nên bỏ hẳn tên nước mà chỉ gọi: National University. Còn Hàn Quốc thì có lẽ hơi cá biệt là họ lấy tên thành phố làm chữ đầu trong tên đại học: Seoul National University. Nếu theo cách đặt Hàn Quốc thì chúng ta cũng có thể có "Hanoi National University", nhưng "Ho Chi Minh City National University" thì hơi dài dòng.

Thứ tư là nhập nhằng trong tên danh nhân. Tôi thấy ở trong nước, người ta viết tên “Hồ Chí Minh” khá tùy tiện. Lúc thì “Hochiminh”, có lúc lại “HoChiMinh”, lại có khi “HOCHIMINH”. Chẳng hạn như trường hợp Đại học Quốc gia TPHCM, có khi người ta viết “VIETNAM NATIONAL UNIVERSITY HOCHIMINH CITY”, nhưng ngay phía dưới thì viết là “Vietnam National University – Ho Chi Minh City”! Trường Đại học Bách khoa TPHCM thì viết “HOCHIMINH CITY UNIVERSITY OF TECHNOLOGY”. Còn Đại học Y Dược TPHCM thì viết là “The University of Medicine & Pharmacy at Hochiminh City” (Chú ý: trang web tiếng Anh của trường này lúc “sống” lúc “chết”, rất khó đoán). Tôi đoán ông cụ mà sống lại chắc phải mỉm cười (chứ tính tình ông cụ thì chẳng bực mình đâu) không hiểu tại sao giới hậu sinh lại sửa tên mình như vậy!

Thứ năm là vấn đề nhập nhằng đại học trong đại học. Đó là trường hợp ở Đại học Quốc gia TPHCM. Các trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM có tên là “Đại học”, như Đại học Bách khoa TPHCM, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên, v.v… Đây là điều khó hiểu nhất. Tôi không biết có nơi nào trên thế giới mà đại học nằm trong đại học không.

Ngay cả trong hệ thống trường Đại học Quốc gia TPHCM, cách họ viết tên cũng rất khác nhau, chẳng đâu vào đâu cả. Nhìn qua trang web của Đại học Bách khoa TPHCM, họ viết:

VIETNAM NATIONAL UNIVERSITY HOCHIMINH CITY
HOCHIMINH UNIVERSITY OF TECHNOLOGY

Còn Đại học Khoa học Tự nhiên (chắc trên thế giới chỉ có VN ta mới có trường đặc biệt như vậy):

UNIVERSITY OF SCIENCE
HO CHI MINH CITY
(Chú ý họ viết rời 3 chữ HO CHI MINH, theo tôi là đúng).

Còn Đại học Khoa học Tự nhiên (lại một trường đặc biệt ở VN):

VIETNAM NATIONAL UNIVERSITY – HCMC
UNIVERSITY OF SOCIAL SCIENCES & HUMANITIES

(Lần này thì họ “lười biếng”, không buồn viết HO CHI MINH CITY mà viết HCMC! Thật là tùy tiện không tưởng tượng được!)

Thử nhìn ra Hà Nội xem các bạn ngoài đó viết như thế nào. Ghé qua trang web http://www.vnu.edu.vn/en thì thấy họ làm có vẻ dễ hiểu hơn là ở phía Nam. Tên trường họ viết là:

VIET NAM NATIONAL UNIVERSITY, HANOI

(Thú vị! Việt Nam viết rời, nhưng Hà Nội thì viết liền! Như vậy là thiếu tính nhất quán. Điều thứ hai là họ dùng dấu phẩy, chứ không phải dấu gạch nối như ở trong Nam).

Điều “tốt” trong hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội là họ gọi các trường “thuộc cấp” là college, faculty, hay school. Không biết tại sao lại có sự khác biệt này. Tôi thấy ở ngoài này, dưới đại học là các college, hay các faculty; và dưới college và faculty là các school. Còn ở đây (Đại học Quốc gia Hà Nội), tôi thấy hình như họ xếp các college, faculty và school ngang nhau?

Nói chung, cách đặt tên trường đại học ở Việt Nam hiện nay rất ư là “trăm hoa đua nở”, chẳng có thể thống hay hệ thống gì cả. Đó là một điều đáng quan tâm, bởi vì tên trường là một thương hiệu, mà nếu chúng ta không chăm sóc thương hiệu thì làm sao nói chuyện hội nhập quốc tế được. Trên thế giới, có những cái tên đã trở thành thương hiệu giáo dục như UCLA, UCSD, UCSF, Princeton, Harvard, Yale, Oxford, Cambridge, Sorbonne, v.v… bởi vì người ta có những qui định cụ thể như kích thước, kiểu chữ, màu sắc trong cách viết. Ngay cả ở Thái Lan, tôi biết họ có hẳn một tài liệu và vài bài báo trên tập san Science Asia chỉ dẫn các đại học nên đặt tên tiếng Anh như thế nào.

Do đó, tôi thấy đã đến lúc các trường nên ngồi lại với nhau để thống nhất cách đặt tên trường bằng tiếng Anh. Riêng tôi thì xin đề nghị như sau:

1. Đối với các đại học địa phương như Cần Thơ, Bình Dương, Sài Gòn, v.v… nên đặt tên trường theo mô thức giới từ, tức là The University of ABC.

2. Không nên lấy danh từ chung tiếng Việt để đặt tên trường như “Nong Lam University”.

3. Theo tôi, nên gọi là Vietnamese National University hơn là Vietnam National University.

4. Bất cứ tên trường nào dính đến tên ông cụ nên viết rõ ràng là “Ho Chi Minh”, chứ không có chuyện Hochiminh, HoChiMinh, HOCHIMINH.

5. Đối với Đại học Quốc gia TPHCM, các đại học thành viên nên gọi là “College”.

Nhưng chắc đề nghị thứ 5 này sẽ bị phản đối dữ dội vì chẳng ai chịu mình là college, do university … oai hơn! Tuy nhiên, nên nhớ rằng trên thế giới có nhiều đại học danh tiếng mà chẳng cần có chữ university. Những trường đó là (chỉ kể vài cái tên quen thuộc) CalTech, MIT, London School of Economics, Dartmouth College. Do đó, không cần phải có university mới oai. Cần thực chất hơn là cần danh.

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/03/van-e-ten-tieng-anh-truong-ai-hoc.html 

33 Tên gọi đại học và chức danh: một vài nhầm lẫn

Tên gọi đại học và chức danh: một vài nhầm lẫn In Email
Thứ năm, 04 Tháng 8 2011 06:39
http://vepr.org.vn/en/images/stories/logo/logo%20DHQG.jpgNhân dịp ghé qua trang nhà của VNU Hà Nội tìm thông tin thì thấy giao diện đã được đổi mới. Có thể nói là giao diện mới trông mát mắt hơn trước. Tôi chú ý đến bản tin “Thống nhất tên giao dịch góp phần tạo nên sức mạnh”. Đọc xong bản tin này, tôi thấy có vài hiểu lầm về những định danh như college, faculty, school, và chức danh của quan chức đại học. Bài này chỉ trình bày một cách khái quát nhất những hiểu lầm đó.

Một trong những điều làm “đau đầu” cho những đồng nghiệp nước ngoài là tên gọi các trường đại học trong hệ thống Đại học Quốc gia. Thật vậy, có lần đồng nghiệp tôi sang đó giảng dạy, và anh ta rất ngạc nhiên khi biết có đại học trong đại học. Có một anh kia còn đi lầm trường chỉ vì tên gọi! Những ai quen với cách tổ chức đại học ở các nước tiên tiến sẽ ngạc nhiên khi biết Đại học Quốc gia có nhiều “đại học con” như ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Bách khoa, v.v. Nói là “đại học con”, nhưng trường nào cũng đều có qui mô lớn chẳng thua kém gì, thậm chí còn lớn hơn, các đại học ở nước ngoài.
Vấn đề “đại học trong đại học” dẫn đến khó khăn và phức tạp trong danh xưng, nhất là danh xưng tiếng Anh. Chẳng hạn như ĐHQGTPHCM thì có tên chính thức là “Vietnam National University, Ho Chi Minh City”. Nhưng các trường thành viên cũng có tên gọi là university, như Ho Chi Minh City University of Technology, University of Science Ho Chi Minh City, Ho Chi Minh City University of Social Sciences and Humanities, v.v. Chú ý, lúc thì tên thành phố viết sau tên trường đại học, nhưng có lúc thì lại viết trước tên trường! Những cách viết như thế này gây ra rất nhiều khó khăn trong việc nhận dạng đại học trong cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế. Hơn thế nữa, cách viết tên đại học không nhất quán (hoặc chẳng theo một công thức chuẩn) còn gây ấn tượng cho đồng nghiệp nước ngoài rằng đại học Việt Nam chưa nghiêm túc trong việc định danh trên trường quốc tế.
Nhưng may mắn thay, Đại học Quốc gia Hà Nội đang có nỗ lực làm thay đổi tình trạng nhập nhằng đó, ít ra là trong tên gọi. Trong bản tin Thống nhất tên giao dịch góp phần tạo nên sức mạnh, ban giám đốc trường đang chấn chỉnh việc định danh trường và chức danh trong giao dịch bằng tiếng Anh của các đơn vị trong hệ thống ĐHQGHN. Đây là một việc làm rất đáng hoan nghênh. Nhưng đọc qua bài phỏng vấn, tôi thấy lấn cấn ở vài điểm mà tôi nghĩ là có sự hiểu lầm. Trong bài này tôi sẽ trình bày các điểm đó như sau:

Về tên đại học và phân khoa
Hiểu lầm về từ national với sứ mệnh quốc gia. Theo nhận xét của lãnh đạo ĐHQGHN thì những đại học có vị thế đặc biệt có thể mang tên “quốc gia” (national). Nhưng trong thực tế thì không phải như thế. Theo tôi biết thì chẳng có đại học nào dám nói mình có sứ mệnh quốc gia cả. Tất cả đại học đều có sứ mệnh khai sáng dân trí và xem đó là một đóng góp của họ cho sự phát triển của đất nước. Chẳng hạn như Đại học Quốc gia Úc (ANU) có sứ mệnh là: “to be one of the world’s great research institutions, distinguished by outstanding teaching, guiding students to the frontiers of knowledge and the best standards of scholarship” (tạm hiểu là: trở thành một trong những viện nghiên cứu lớn trên thế giới qua giảng dạy xuất sắc, dìu dắt sinh viên đến những tri thức hiện đại và chuẩn mực học thuật cao nhất). Trường Đại học Sydney hay New South Wales, dù không có từ national trong danh xưng, nhưng cũng có những sứ mệnh tương tự. Gần ta hơn là Đại học Quốc gia Singapore, đề ra 3 sứ mệnh. Đó là nuôi dưỡng những học giả, tạo cơ hội cho họ trở thành những nhà lãnh đạo trong xã hội, những công dân toàn cầu; nghiên cứu có ảnh hưởng lớn, đóng góp tri thức nhằm cải thiện xã hội; và phục vụ cho sự phát triển xã hội và kinh tế quốc gia. Đại học công nghệ Nanyang (Singapore) không có từ national trong danh xưng, nhưng sứ mệnh của họ thì chẳng khác gì Đại học Quốc gia Singapore. Nói tóm lại, không cứ có chữ quốc gia mới có sứ mệnh quốc gia; tất cả đại học đều có sứ mệnh chung (đóng góp tri thức) và sứ mệnh riêng là đóng góp vào sự phát triển của quốc gia.
Cũng cần phải nói thêm rằng không phải có chữ “national” trong danh xưng mới có tầm vóc quốc gia. Đọc câu phát biểu mang tính khẳng định “Trên thế giới cách đặt tên đại học và các trường thành viên rất đa dạng, nhưng những đại học có tầm vóc quốc gia thì bao giờ cũng gắn với từ quốc gia - national. Ví dụ: ANU (Australia National University), SNU (Singapore National University), SNU (Seoul National University) ...” tôi thấy không đúng với thực tế. Chẳng hạn như Đại học Quốc gia Úc là đại học nhỏ, chỉ giới hạn trong một số bộ môn. So với các đại học lớn hơn và lâu đời hơn như Đại học Sydney, Đại học Melbourne, Đại học Queensland (tất cả đều không có danh xưng national) thì Đại học Quốc gia Úc chỉ là một viện tí hon! Cũng cần nói thêm rằng ở Anh, Mĩ, Canada, v.v. không có trường nào mang danh xưng national để mang “tầm vóc quốc gia” cả. Đại học Harvard, Yale, Oxford, Cambridge, Sorbonne, Toronto, v.v. đều không có tên national nhưng ai cũng biết uy tín của họ là tầm vóc toàn cầu chứ chẳng riêng gì trong nước.

Ngoài ra, còn có vài chỗ sai về tên đại học trong phát biểu trên:
  • Australian National University (chứ không phải “Australia National University”)
  • National University of Singapore – NUS (chứ không phải “Singapore National University” - SNU)
  • University of Malaya (chứ không phải “University of Malaysia”)

Mô hình Đại học Quốc gia Việt Nam (VNU) không phổ biến trên thế giới. Bài phỏng vấn có câu “Trên thế giới rất nhiều đại học có mô hình giống ĐHQGHN” là một giả định không đúng. Không biết ở các nước Đông Âu thì thế nào, nhưng ở các nước phương Tây mà tôi có kinh nghiệm thì chưa thấy nơi nào mà đại học nằm trong đại học, hay có sự phân chia theo kiểu “đại học mẹ” và “đại học con” (không thấy “đại học cha”!) như VNU cả.
Có sự hiểu lầm về college faculty. Trong bài trả lời phỏng vấn, vị phó giám đốc ĐHQGHN cho biết “Các trường đại học thành viên của các đại học này thường có 3 cách gọi. Thứ nhất là college, ví dụ college of Law, Australia National University (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Úc). Thứ hai là school, ví dụ Business School, University of London (Trường Đại học Kinh doanh, Đại học London). Thứ ba, là university nhưng có nhận diện bằng cách đặt dưới university mẹ.” Nhưng hình như đây là một sự hiểu lầm. Tôi có thể giải thích chung như sau:
  • College, faculty, school không phải là trường đại học mà là những đơn vị trong một trường đại học. Ở Úc (và Mĩ, Anh, Canada), mỗi university (đại học) có nhiều khoa.   Khoa có thể gọi là college, nhưng cũng có thể gọi là faculty. Sự chọn tên gọi (college hay faculty) là tùy theo ban giám hiệu. Chẳng hạn như ngày xưa, Đại học Macquarie họ gọi các khoa là college, nhưng khi có ban giám hiệu mới, họ sửa lại là faculty. Phần lớn đại học Úc (như Đại học New South Wales, Sydney, v.v.) gọi các khoa là faculty. Nhưng Đại học Quốc gia Úc thì gọi khoa là college, như College of Law (Khoa Luật), và đây cũng chính là cách gọi của nhiều đại học Mĩ như Ohio State University chẳng hạn.
  • Dưới faculty và college thường là những school. Chẳng hạn như trong Faculty of Medicine (Khoa Y) của trường ĐH New South Wales có nhiều school như School of Medicine, School of Psychiatry, School of Medical Sciences, v.v.
  • Tuy nhiên, trong vài trường hợp đặc biệt, có đơn vị dưới trường đại học lấy tên là school. Thông thường đây là những đơn vị chuyên ngành (professional school).
Ở đây, tôi không nói đến những trường cá biệt. Những trường hợp này trường tuy là đại học nhưng do lí do lịch sử và “thương hiệu” quá lớn nên họ không cần danh xưng university. Có thể kể những trường danh tiếng như London School of Economics, Dartmouth College, California Institute of Technology (CalTech), v.v. mà không cần có danh xưng university – đại học, nhưng ai cũng biết đó là những trung tâm khoa học và giáo dục nổi tiếng trên thế giới.
Với cách hiểu trên, cách đặt tên mới của VNU rất khác thường. Theo qui định mới, các trường thành viên sẽ có tên VNU trước và theo sau là tên trường đại học. Chẳng hạn như VNU – University of Engineering and Technology. Nếu viết đúng là Vietnam National University – University of Engineering and Technology. Hai chữ university gắn liền nhau! Đó là một danh xưng lạ lùng và có thể nói là lượm thượm.

Về chức danh
Theo cách gọi mới, giám đốc là President; Phó Giám đốc là Vice-President; Hiệu trưởng là Rector; Phó hiệu trưởng là Vice-Rector; Trưởng Ban, Giám đốc trung tâm là Director; Phó Trưởng Ban là Vice-Diretor; Trưởng Khoa là Dean, Phó Trưởng Khoa là Deputy-Dean, v.v.
Ở đây cần phải phân biệt và quán triệt sự khác biệt giữa hai chữ vice deputy. Hai chữ này nếu dịch sang tiếng Việt đều có nghĩa là phó. Nhưng trong tiếng Anh thì cách dùng không phải đơn giản và tùy tiện được. Nói một cách ngắn gọn:
  • Deputy có nghĩa đen là người có thể đóng vai trò thay mặt cấp trên. Hiểu theo nghĩa hiện đại là người được ủy quyền. Và chính vì thế mà có động từ deputize – tức ủy quyền.
  • Còn vice là từ gốc Latin có nghĩa là “thay thế”. Do đó, vice-president là người có thể thay thế tổng thống trong trường hợp / tình huống đặc biệt.  Tiếng Anh chuẩn không có deputy president.

Vice thường dùng cho các chức danh trong hệ thống khoa bảng và hành chính. Còn deputy thường dùng phổ biến trong các cơ sở kinh doanh. Người ta nói deputy director, chứ chẳng ai nói vice-director.
Vice mang tính nghiêm nghị hơn deputy. Chức danh Vice-Chairman nghe nghiêm trang trang Deputy Chairman, vì Vice-Chairman là phó chủ tịch, còn Deputy Chairman có thể là người được ủy quyền chủ tịch.
Hiểu như thế mới thấy các chức danh mà ĐHQGHN sắp ban hành là thiếu chuẩn mực, nếu không muốn nói là sai về tiếng Anh. Tôi góp ý như sau:
  • Về chức danh giám đốc đại học quốc gia, thì có thể sử dụng Chancellor hoặc President. Ở Mĩ, hiệu trưởng có khi là President, nhưng cũng có khi là Chancellor. Ở Úc và Anh, Vice-Chancellor có nghĩa là hiệu trường (chứ không phải phó hiệu trưởng như một bài báo trên Tia Sáng hiểu sai). Do đó, ở trường Đại học New South Wales, người ta in danh thiếp của hiệu trưởng là Vice-Chancellor và President để đồng nghiệp Mĩ hiểu đúng. Tôi đề nghị giám đốc ĐHQG nên là Chancellor và mở ngoặc là President để cho rõ ràng hơn. Danh xưng Chancellor nghe nghiêm trang và khoa bảng hơn là President (thường dùng trong doanh nghiệp và chính trị).
  • Hiệu trưởng các trường thành viên thì nên gọi là Principal, chứ không nên gọi là Rector. Rector là chữ gốc Latin, có nghĩa là “người cai trị”, thường là chức danh hiệu trưởng của các trường đại học độc lập bên Âu châu, nhưng cũng có khi là hiệu trưởng trung học và trường dạy thể thao! Nếu trường là thành viên (như college trong Đại học Oxford hay Cambridge) thì nên gọi là Principal. Còn phó hiệu trưởng trường thành viên thì có thể gọi là Vice-Principal.
  • Khoa trưởng thì nên gọi là Dean, nhưng phó khoa thì không nên gọi là “Deputy-Dean”. Cần nói thêm rằng Deputy thì không kèm theo dấu “-“ như Vice. Tôi đề nghị nên sửa lại cho chuẩn hơn là: Associate Dean. Associate Dean có nghĩa là phó khoa. Tương tự, Deputy Director nên thay thế bằng Associate Director, chứ không ai viết Vice-Diretor!
Nói tóm lại, tôi nghĩ hệ thống đại học trong đại học là rất bất bình thường và không giống ai trên thế giới. Cũng chẳng giống đại học nào trong vùng Đông Nam Á. Có thể nói rằng Danh xưng đại học bằng tiếng Anh hiện nay quá tùy tiện và thiếu qui chuẩn, gây lẫn lộn cho đồng nghiệp quốc tế. Vì thế, việc ra qui định cách đặt danh xưng bằng tiếng Anh là rất cần thiết. Nhưng rất tiếc là qui định này vẫn còn nhiều sai sót, kể cả sai sót trong chức danh, có lẽ xuất phát từ hiểu lầm hay chưa thông thạo với hệ thống đại học ở nước ngoài. Trong bài này tôi đã đề nghị một số thay đổi cho phù hợp với danh xưng của, và chức danh khoa bảng trong, các đại học trên thế giới.
http://nguyenvantuan.net/education/3-edu/1325-ten-goi-dai-hoc-va-chuc-danh-mot-vai-nham-lan- 

32 Trích dẫn và đạo văn

Trích dẫn và đạo văn In Email
http://img.ehow.com/article-page-main/ehow-uk/images/a04/q3/ms/avoid-plagiarism-citation-800x800.jpgEntry này được viết ra chỉ vì câu bình luận sau đây trên báo Người lao động: “Trong nghiên cứu khoa học, ai cũng biết một luật bất thành văn là luận án TS không thể nào trích dẫn, tham khảo tài liệu ở những công trình có học vị thấp hơn.” Thật ra, không có qui định nào như thế cả. Khoa học là bình đẳng.


Vấn đề đạo văn ở Việt Nam là vấn đề thời sự.  Tháng 10 năm ngoái xảy ra một vụ tai tiếng về một nhóm tác giả với 3 bài báo khoa học bị rút lại sau khi đã công bố trên một tập san quốc tế.  Trước đó, cũng xảy ra nhiều vụ tai tiếng chỉ giới hạn trong nước, và theo thời gian chìm vào quên lãng.  Nhưng mới đây báo Người lao động nêu vấn đề đạo văn qua vài trường hợp cụ thể.  Những trường hợp được nêu có lẽ chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm.  Nạn đạo văn ở nước nào cũng khá phổ biến, nhưng ở nước ta cường độ thì có lẽ cao hơn nhiều so với các nước khác.  Vấn đề là chúng ta cần phải tìm hiểu nguyên nhân và “yếu tố nguy cơ” để có biện pháp giảm tình trạng đạo văn.

Khi nào cần trích dẫn ?

Một trong những nguyên nhân của đạo văn là không biết trích dẫn.  Kinh nghiệm của tôi cho thấy nhiều học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, thậm chí … giáo sư chưa quen với phương pháp trích dẫn.  Điển hình cho hiểu lầm về trích dẫn là phát biểu sau đây mà bài báo trên Người lao động trích nguyên văn: “Nguyên tắc nghiên cứu khoa học, khi đã sử dụng dù chỉ một từ vẫn phải có trích dẫn chữ dùng của ai.” Tôi e rằng người phát biểu câu này nói hơi … quá lời.  Thật ra, không có nguyên tắc nào đòi hỏi người ta phải trích dẫn nếu sử dụng chỉ 1 từ cả, ngoại trừ đó là một thuật ngữ đặc biệt chưa được nhiều người biết đến.  Tuy nhiên, có qui ước: khi dùng hay sao chép hơn 3 hay 4 từ liên tục từ một nguồn thì cần phải để trong ngoặc kép hoặc đề nguồn.

Một hiểu lầm khác cũng xuất hiện, khi có ý kiến rằng “Trong nghiên cứu khoa học, ai cũng biết một luật bất thành văn là luận án TS không thể nào trích dẫn, tham khảo tài liệu ở những công trình có học vị thấp hơn. Một luận án TS mà dựa trên nghiên cứu, quan điểm của sinh viên thì khó chấp nhận.”  Tôi có thể khẳng định rằng không có qui định thành văn hay bất thành văn nào như thế cả.  Rất nhiều tập san khoa học quốc tế không cho phép tác giả đề học vị và chức danh.  Do đó, một công trình nghiên cứu trên tập san khoa học như thế, làm sao chúng ta biết tác giả đó có bằng cử nhân hay tiến sĩ?  Thật ra, khoa học rất bình đẳng trong tri thức, và trích dẫn trong khoa học không phân biệt đẳng cấp và học vị của tác giả của nguồn thông tin.

Vậy câu hỏi đặt ra là khi nào thì cần phải trích dẫn?  Theo qui định chung, tác giả cần phải trích dẫn và cung cấp tài liệu tham khảo khi:


  • Lấy nguyên văn một câu hay đoạn văn.  Đây là nguyên tắc mà có lẽ ai cũng biết.  Ví dụ:

A WHO Expert Consultation states that “overweight (≥ 25 kg/m2) corresponded to 31-39%” (WHO Expert Consutation, 2004).
thì câu viết nghiêng là nguyên văn của bản báo cáo, và thông tin trong ngoặc đơn là nguồn báo cáo, thường là tác giả và năm công bố.
  • Tóm lược và diễn đạt lại ý của tác giả gốc. Trong khoa học thực nghiệm, ít khi nào nhà khoa học chịu lấy nguyên văn của tác giả khác (vốn rất phổ biến trong khoa học xã hội), mà chỉ viết lại ý chính của tác giả trước, ví dụ như:
Low bone mineral density is a robust risk factor for fragility fracture (Nguyen et al, 1997)
Trong câu trên, câu Low bone mineral density is a robust risk factor for fragility fracture câu văn của tác giả bài báo tóm lược ý chính trong bài báo của Nguyen và đồng nghiệp công bố vào năm 1997.
  • Trích những dữ liệu thống kê.  Vì con số thống kê là trái tim, là linh hồn của một bài báo khoa học, nên nếu tác giả trích con số của người khác thì phải cung cấp nguồn rõ ràng.
The prevalence of osteoporosis in Asian women aged 50 years and above ranged between 17% and 30% [1]
Ngay cả những con số đơn giản cũng phải đề nguồn:
Recent statistics indicated that during 1997-2004 there were ~48,500 cases of TB (or 70 per 100,000 population), and the incidence increased by around 0.2% per year, which occurred mainly in rural areas [3]
Trong cả hai ví dụ trên [1] và [3] là số của tài liệu tham khảo được liệt kê trong phần tài liệu tham khảo.
  • In lại những biểu đồ, hình ảnh.  Bất cứ hình hay biểu đồ nào được in lại trong sách, hay trong một bài báo khoa học, hay trong một slide mà không phải của tác giả thì bắt buộc phải đề nguồn.
  • Trình bày những diễn giải mang tính tranh cãi.  Một dữ liệu hay kết quả có thể được hiểu và diễn giải bằng nhiều cách khác nhau, vì người diễn giải dựa vào lăng kính khác.  Do đó, những diễn giải dữ liệu vẫn còn trong vòng tranh cãi cũng cần phải được trích dẫn và ghi nguồn.  Ví dụ:
The relationship between animal protein and bone health has been controversial.  It has long been hypothesized, but remained to be confirmed, that a high animal protein diet exerts a negative effect on bone health, because it generates a high endogenous acid load that would require buffering from bone, thus increasing bone resorption [10]
  • Trình bày kết quả nghiên cứu của người khác. Trong bài báo khoa học, có khi tác giả cần phải so sánh với kết quả của đồng nghiệp, và trong trường hợp này thì phải cung cấp tài liệu tham khảo.  Ví dụ:
The present result is consistent with a previous observation that each standard deviation decrease in BMD was associated with a 1.45-fold increase in the risk of osteoporotic fracture (Kanis, et al, 2005)

Khi nào không cần trích dẫn ?

Ai cũng biết rằng bất cứ tác giả đề cập đến thông tin từ ngoài thì tác giả phải trích dẫn nguồn thông tin.  Nhưng cũng có trường hợp tác giả không cần phải đề nguồn.  Có hai trường hợp chính:

Lí luận, ý tưởng hay thông tin của chính tác giả. Trường hợp này quá hiển nhiên.  Nếu là phát kiến của chính tác giả thì không cần trích dẫn.

Thông tin là một “common knowledge”, tức hiểu theo nghĩa “nhiều người biết”.  Những thông tin được xem là kiến thức phổ quát thì không cần trích dẫn.  Nhưng xác định thế nào là kiến thức phổ quát có khi không dễ dàng chút nào, bởi vì đường ranh giữa kiến thức phổ quát và kiến thức cần trích dẫn, mà ngay cả các chuyên gia về đạo văn cũng không đồng ý với nhau.  Chẳng hạn như nếu tôi viết Smoking is a cause of lung cancer thì có lẽ ai cũng đồng ý là common knowledge, nhưng vẫn có người trong khoa học đòi hỏi câu đó phải được trích dẫn nguồn.

Mặc dù không có tiêu chí cụ thể thế nào là kiến thức phổ quát, nhưng có 2 tiêu chí thường được sử dụng thường xuyên là: lượng thông tin và sự phổ biến. Trước hết là lượng thông tin.  Nhiều chuyên gia cho rằng một thông tin được xem là phổ quát nếu thông tin đó có thể tìm thấy từ 5 nguồn độc lập.  Kế đến là tiêu chí về phổ biến liên quan đến thông tin đó đã được nhiều người trong chuyên ngành biết hay chấp nhận.  Ví dụ câu

Many countries require that food labels announce genetically modified ingredients
được xem là common knowledge, và tác giả không cần trích dẫn.

Tương tự, Smoking is a cause of lung cancer có thể không cần trích dẫn, nhưng nếu viết cigarette smoking is associated with a three-fold increase in the risk of lung cancer thì cần phải trích dẫn, bởi vì có đề cập đến con số ở đây.  Tương tự, nếu câu

Previous research has shown that the slower kinetics observed during transitions from an elevated baseline metabolic rate were related to a slower adjustment of cardiac output and hence muscle O2 delivery

cũng cần trích dẫn, bởi có chữ research.  Bất cứ lúc nào có chữ research hay study, hay bàn về nghiên cứu của người khác, cần phải trích dẫn nguồn.

Nhận dạng đạo văn

Cần phân biệt trích dẫn và đạo văn.  Đạo văn được Hội giáo sư đại học Mĩ (American Association of University Professors) định nghĩa là lấy ý tưởng, phương pháp, hay chữ của người khác làm của mình, mà không ghi nhận nguồn gốc và tác giả.  Còn trích dẫn dưới hình thức viết lại ý của tác giả gốc là một hình thức diễn tả lại ý tưởng chính của đoạn văn gốc bằng một đoạn văn rất cô đọng và rất chung chung, mà không hẳn dùng lại những chữ của tác giả gốc.  Tuy nhiên, nếu không cẩn thận thì trích dẫn, cho dù có đề nguồn, vẫn có thể bị phạm tội đạo văn.  Chúng ta thử so sánh hai câu văn sau đây, bên trái là bản gốc, và bên phải là bản viết lại theo cách diễn giải và có trích dẫn.  Câu hỏi là tác giả có phạm tội đạo văn hay không?

Bản gốc:
There's a new class of worker out there: Nearly Autonomous, Not in the Office, doing Business in their Own Time Staff. Or nanobots, for short. Empowered by their mobile devices and remote access to the corporate network, nanobots put in long hours, sometimes seven days a week -- just not at their desks. Different from mobile workers, who usually stay in close contact with managers, nanobots thrive on their driven natures and on the personal freedom with which they are entrusted. Found at many levels of an organization, from sales managers to senior executives, they are self-starting high achievers who produce strong results with a minimum of supervision. Allowed to find their own equilibrium between work and private lives, they tend to put work first.
Diễn giải 1:
Did you know there’s a new class of worker out there? Nearly Autonomous, Not in the Office, doing Business in their Own Time Staff—or, more simply, nanobots (Pauleen and Harmer, 2008). Empowered by their mobile devices and remote access to the company network, nanobots put in long hours, sometimes seven days a week -- just not at their desks. Unlike mobile workers, who usually stay in close contact with managers, “nanobots thrive on their driven natures and on the personal freedom with which they are entrusted,” (2008, par.2). Interestingly, they are high achievers who are self-motivated and produce good results with little supervision. They are found at many levels of an organization, from sales managers to senior executives. Allowed to find their own balance between work and personal lives, they usually put work first (2008).
Pauleen, D. & Harmer, B. (2008, Dec. 15). Away from the desk...always. Wall Street Journal Digital Network. Retrieved Dec. 22, 2008, from http://online.wsj.com/article/SB122911032462702387.html

Theo các chuyên gia, tác giả phạm tội đạo văn, vì gây ấn tượng cho người đọc rằng bản văn gốc đã được diễn giải lại, nhưng trong thực tế đã lấy nhiều câu văn của bản gốc.  Những đoạn gạch đích dưới đây là những đoạn tác giả mượn văn của bài gốc:

Did you know there’s a new class of worker out there? Nearly Autonomous, Not in the Office, doing Business in their Own Time Staff—or, more simply, nanobots (Pauleen and Harmer, 2008). Empowered by their mobile devices and remote access to the company network, nanobots put in long hours, sometimes seven days a week -- just not at their desks. Unlike mobile workers, who usually stay in close contact with managers, “nanobots thrive on their driven natures and on the personal freedom with which they are entrusted,” (2008, par.2). Interestingly, they are high achievers who are self-motivated and produce good results with little supervision, They are found at many levels of an organization, from sales managers to senior executives. Allowed to find their own balance between work and personal lives, they usually put work first (2008).

Có một qui ước chung là khi tác giả sử dụng một loạt 3 câu văn liền của bản gốc mà không để trong ngoặc kép là có thể mang tội đạo văn.

Ví dụ trên cho thầy để tránh đạo văn, tác giả cần phải luyện kĩ năng để tự diễn giải thông tin gốc.  Có 3 cách để diễn giải thông tin hay câu văn gốc: thay đổi cấu trúc câu văn, dùng những từ đồng nghĩa, và thay đổi dạng của câu văn.  Sau đây là vài ví dụ:

Thay đổi cấu trúc câu văn. Đây là cách diễn giải tốt nhất để tránh đạo văn.  Tác giả cần phải đọc đoạn văn gốc vài lần cho đến khi hiểu được ý nghĩa, rồi sau đó viết lại bằng chữ của mình.  Ví dụ:

Bản gốc của Mueller and Hancock (2001):
Instead of analyzing data with an exploratory factor analysis (where each item is free to load on each factor) and potentially facing a solution inconsistent with initial theory, a CFA can give the investigator valuable information regarding the fit of the data to the specific, theory-derived measurement model (where items load only on the factors they were designed to measure), and point to the potential weakness of specific items.
Viết lại:
If the focus of the investigation is the connection between data and the theoretical model being used for measuement, a CFA is a better choice than an exploratory factor analysis, as the CFA is more likely to provide results that show the connection between data and theory (Mueller and Hancock, 2001)

Dùng từ đồng nghĩa. Cũng có khi câu văn ngắn nên viết lại cũng khó khăn.  Trong trường hợp này, có thể thay thế những từ đồng nghĩa.  Ví dụ:

Bản gốc của Johnson et al (2008):
Optimizing peak bone mass during the early years is thought to be a key factor in preventing osteoporosis later in life.
Viết lại:
To prevent osteoporosis,  experts believe it is important to build bone mass before adulthood (Johnson et al., 2008).


Thay đổi cách dạng của câu văn. Thông thường một câu văn ngắn có thể thay thế bằng cách đổi từ văn thụ động sang chủ động (hay ngược lại) và thay đổi từ.  Chẳng hạn như:

Earth-friendly products are being purchased more often by consumers Increasing, shoppers are choosing to buy environmentally safe products

Trích dẫn và diễn giải là hai hình thức rất phổ biến trong văn chương khoa học để tránh đạo văn.  Trích dẫn có lẽ không khó, nhưng diễn giải thì khó hơn vì đòi hỏi tác giả phải am hiểu ngữ vựng tiếng Anh, hiểu ý nghĩa câu văn gốc, và có kĩ năng cách một cách trôi chảy.  Ở đây, tôi thấy cần phải nhắc lại hai điểm mà tôi đã đề cập trong phần đầu để tránh ngộ nhận: không ai đòi hỏi phải trích dẫn nếu chỉ dùng một từ của bản văn gốc, và không có qui định nào nói rằng chỉ trích dẫn những tác giả có học vị cao hơn mình.  Khoa học là một hoạt động bình đẳng.  Người có công phát kiến, bất kể có văn bằng gì, sẽ được ghi nhận qua trích dẫn và tham khảo một cách hợp lí.  Đó chính là một nét văn hóa khoa học chẳng xa lạ gì với người Việt chúng ta: nói có sách, mách có chứng.

NVT
======


http://nld.com.vn/20110416094351456p0c1017/bi-hai-luan-an-luoc.htm
Bi hài luận án “luộc”

Thứ Bảy, 16/04/2011 21:52

Không ít luận án tiến sĩ đã qua mắt được hội đồng bảo vệ nhưng lại là luận án “luộc” với nhiều chuyện bi hài

Tiến sĩ (TS) Trần Thị Mai Nhân, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, rất bức xúc khi luận văn thạc sĩ của mình về đề tài văn học Việt Nam trong chiến tranh đã bị nghiên cứu sinh tên K., giảng viên của một trường ĐH khác, sao chép nguyên văn rất nhiều đoạn để đưa vào luận án TS của ông ta mà không hề có một dòng trích dẫn.

Đạo văn do...chưa có kinh nghiệm!

Trong luận án TS của ông K., phần phụ lục cũng không hề có dòng nào về việc tham khảo tài liệu của TS Mai Nhân. Điều đáng nói là sau khi bảo vệ thành công luận án TS năm 2000, ông K. đã trích một phần luận án để in thành sách, phát hành vào năm 2006. Khi cầm trên tay cuốn sách này, TS Mai Nhân mới té ngửa bởi công trình chính mình viết ra được tác giả “cóp” nguyên văn nhiều đoạn.

“Nguyên tắc nghiên cứu khoa học, khi đã sử dụng dù chỉ một từ vẫn phải có trích dẫn chữ dùng của ai. Trong khi đó, ông K. dùng nguyên văn khá nhiều đoạn trong luận văn của tôi mà không hề có một dòng trích dẫn thì thật khó chấp nhận” - TS Mai Nhân bức xúc.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông K. lý giải khi làm luận án TS - cách đây 15 năm - ông còn rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. “Tôi thừa nhận đã sơ suất khi dùng luận văn của TS Nhân mà không trích dẫn. Một người bạn đã photocopy giùm tôi cuốn tài liệu này nhưng lại không có bìa. Lúc đó, vấn đề tôi nghiên cứu còn có nhiều tranh cãi, tôi đọc được cuốn tài liệu này thấy rất tâm đắc nên sử dụng một số đoạn mà không biết tác giả là ai”.

Ông K. cho biết khi TS Mai Nhân lên tiếng, ông mới biết đã sử dụng luận văn của bà. “Tôi đã viết thư xin lỗi TS Nhân và sẽ mua lại toàn bộ sách đã xuất bản của mình còn lại ở các nhà sách. Nếu tái bản, tôi sẽ phải bỏ hoàn toàn những đoạn sử dụng trong luận văn của TS Nhân” - ông K. khẳng định. Ông K. cũng hứa sẽ in lại cả luận án TS, trong đó bổ sung phần trích dẫn những đoạn đã sử dụng luận văn của TS Mai Nhân.

Vô tư dùng cứ liệu của học trò

Luận án “So sánh một số đặc điểm cú pháp – ngữ nghĩa của tục ngữ tiếng Việt và tiếng Hàn” là một công trình khá công phu với phần trình bày cả tiếng Việt lẫn tiếng Hàn của tác giả T.

Một số chuyên gia nhận định đây là luận án nghiên cứu chuyên sâu liên quan trực tiếp đến kiến thức ngữ pháp – ngữ nghĩa không phải của câu văn bình thường mà là tục ngữ tiếng Hàn, chứng tỏ tác giả phải am hiểu chuyên sâu cả tiếng Việt và tiếng Hàn. Tuy nhiên, một số chuyên gia về tiếng Hàn đã chỉ ra rất nhiều lỗi trong luận án này mà một người biết tiếng Hàn ở trình độ sơ – trung cấp đều có thể phát hiện.

Trong luận án TS, tác giả T. lại sử dụng tài liệu tham khảo của không ít khóa luận tốt nghiệp của sinh viên liên quan đến tục ngữ. Thậm chí, luận văn của sinh viên được tác giả luận án đánh giá là “những ngữ liệu quan trọng” để sử dụng trong công trình bậc học TS của mình.

“Trong nghiên cứu khoa học, ai cũng biết một luật bất thành văn là luận án TS không thể nào trích dẫn, tham khảo tài liệu ở những công trình có học vị thấp hơn. Một luận án TS mà dựa trên nghiên cứu, quan điểm của sinh viên thì khó chấp nhận” - một chuyên gia về giáo dục sau ĐH nhận định.

Một giảng viên Việt Nam tại Hàn Quốc đã từng được TS T. nhờ sưu tầm, dịch một số tài liệu từ tiếng Hàn sang tiếng Việt cho luận án trên cho biết tác giả đã sử dụng phần dịch của bà ở nhiều cước chú nhưng không ghi tên, chức danh, học vị của bà. “Như vậy, sẽ không có căn cứ khoa học cho phần dịch này và người đọc sẽ hiểu chính tác giả là người dịch đoạn đó” - giảng viên này nhận xét.

Luận án của tác giả T. đã được bảo vệ thành công vào ngày 16-4-2007. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hội đồng bảo vệ luận án gồm 7 người và… không ai thành thạo tiếng Hàn!

Đủ kiểu đạo văn

PGS-TS Trần Hữu Tá, nguyên chủ nhiệm Khoa Văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM, thừa nhận tình trạng đạo luận án ngày càng tinh vi. “Học viên chỉ “luộc” cái khá, còn cái tồi thì không “luộc”. Bởi vậy, gặp những luận án hầu hết được viết rất thô thiển nhưng có đoạn lại bay bổng, trau chuốt là chúng tôi biết tác giả đã đạo văn” - PGS-TS Trần Hữu Tá cho biết.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, nhận định có rất nhiều kiểu đạo văn khó phát hiện như ghi nguồn tham khảo nhưng lại không ghi rõ trích dẫn, trong đó xào xáo một phần tài liệu tham khảo, trộn với phần của mình hoặc pha trộn nhiều tài liệu tham khảo khác nhau thành của mình; thay đổi từ ngữ nhưng ý tứ thì ăn cắp…

Ngoài ra, còn có các kiểu đạo văn trắng trợn như “cóp” nguyên xi của người khác mà không cho vào ngoặc kép và ghi nguồn trích dẫn; trích dẫn thật nhiều đoạn khác nhau mà không có chữ nào của mình.... “Dùng bất cứ tài liệu nào của người khác mà không ghi nguồn đều được coi là đạo văn và vi phạm Luật Bản quyền” - PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nhìn nhận. Ông Tống cũng cho rằng đạo văn dù ở dạng nào cũng là hành vi “đánh lừa”, “ăn cắp nguy hiểm”,  cần phải lên án và loại bỏ.

Dù biết đạo văn là không thể chấp nhận trong nghiên cứu khoa học nhưng nhiều luận án “luộc” đã qua mắt được hội đồng bảo vệ. Một PGS từng là thành viên trong hội đồng bảo vệ nhiều luận án TS cho biết có rất nhiều trường hợp trong luận án không đạo từng đoạn mà chỉ đạo từng câu nên rất khó phát hiện. Bên cạnh đó, học viên thường sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác nhau mà không phải lúc nào thành viên hội đồng cũng có thể tham khảo hết nguồn tài liệu đó.

Quy trình kín mà hở

Một nguyên nhân khác khiến việc đạo văn trong các luận án TS vẫn có đất sống, theo PGS-TS Trần Hữu Tá, là do quy trình làm luận án chưa có khâu kiểm tra cụ thể. Luận án TS hiện được làm theo các bước: Học viên nhận đề tài, thực hiện trong 3 năm cùng thầy hướng dẫn; sau đó nộp, bảo vệ cấp cơ sở, góp ý sửa chữa, phản biện độc lập, bảo vệ trước hội đồng… PGS-TS Trần Hữu Tá cho rằng quy trình này đã tạo ra kẽ hở để học viên không học vẫn có luận án, rồi có bằng TS.

PGS-TS Trần Hữu Tá kể lại một trường hợp học viên bảo vệ luận án về nghệ thuật trào phúng trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Luận án rất tốt nhưng thành viên hội đồng nghi ngờ đạo văn liền đề nghị học viên tóm tắt tiểu thuyết Số đỏ trong vòng 5-10 phút - một yêu cầu đơn giản mà học sinh THPT có thể làm được. Thế nhưng, học viên bảo vệ luận án TS này lại ấm ớ rồi cúi đầu!

Một chuyên gia giáo dục sau ĐH cũng cho biết khâu phản biện độc lập hiện kín mà chưa kín. Nhiều khi ông đang thực hiện phản biện độc lập nhưng lại có điện thoại gửi gắm, kiểu: “Học trò của mình đấy, chiếu cố chút nhé”! Theo chuyên gia này, những luận án lôm côm hoặc có đạo văn có thể phát hiện được nhưng vẫn tồn tại quan niệm “luận án là lý bên trong có tình” nên đôi khi nhắm mắt cho qua mà trong lòng ngao ngán. Quá trình làm và bảo vệ luận án tưởng chặt nhưng lại hở, đôi khi tưởng là thứ thiệt mà lại dỏm.

PGS-TS Trần Hữu Tá cho rằng để ngăn ngừa nạn đạo văn, quy trình làm và bảo vệ luận án TS cần chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn, tránh những đề tài na ná nhau nhưng vẫn được thực hiện. Trong quá trình thực hiện cần có những đợt kiểm tra kiến thức cơ bản liên quan đến đề tài mà học viên đang theo đuổi. Nghiên cứu sinh phải tập trung tại trường ít nhất 3 lần để làm chuyên đề kiểm tra tại chỗ.

Ngoài ra, học viên cần phải có những buổi thuyết trình về đề tài trong quá trình thực hiện luận án. Nếu không chuẩn bị, không có kiến thức mà đi “đạo” của người khác thì không thể nào đáp ứng được các kỳ kiểm tra tại chỗ và các buổi thuyết trình. Bên cạnh đó, phải có biện pháp chế tài đối với các trường hợp luận án bị phát hiện đạo văn.

“Nguyên tắc nghiên cứu khoa học, khi đã sử dụng dù chỉ một từ vẫn phải có trích dẫn chữ dùng của ai. Trong khi đó, ông K. dùng nguyên văn khá nhiều đoạn trong luận văn của tôi mà không hề có một dòng trích dẫn thì thật khó chấp nhận” - TS Mai Nhân bức xúc.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông K. lý giải khi làm luận án TS - cách đây 15 năm - ông còn rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. “Tôi thừa nhận đã sơ suất khi dùng luận văn của TS Nhân mà không trích dẫn. Một người bạn đã photocopy giùm tôi cuốn tài liệu này nhưng lại không có bìa. Lúc đó, vấn đề tôi nghiên cứu còn có nhiều tranh cãi, tôi đọc được cuốn tài liệu này thấy rất tâm đắc nên sử dụng một số đoạn mà không biết tác giả là ai”.

Ông K. cho biết khi TS Mai Nhân lên tiếng, ông mới biết đã sử dụng luận văn của bà. “Tôi đã viết thư xin lỗi TS Nhân và sẽ mua lại toàn bộ sách đã xuất bản của mình còn lại ở các nhà sách. Nếu tái bản, tôi sẽ phải bỏ hoàn toàn những đoạn sử dụng trong luận văn của TS Nhân” - ông K. khẳng định. Ông K. cũng hứa sẽ in lại cả luận án TS, trong đó bổ sung phần trích dẫn những đoạn đã sử dụng luận văn của TS Mai Nhân.

Vô tư dùng cứ liệu của học trò

Luận án “So sánh một số đặc điểm cú pháp – ngữ nghĩa của tục ngữ tiếng Việt và tiếng Hàn” là một công trình khá công phu với phần trình bày cả tiếng Việt lẫn tiếng Hàn của tác giả T.

Một số chuyên gia nhận định đây là luận án nghiên cứu chuyên sâu liên quan trực tiếp đến kiến thức ngữ pháp – ngữ nghĩa không phải của câu văn bình thường mà là tục ngữ tiếng Hàn, chứng tỏ tác giả phải am hiểu chuyên sâu cả tiếng Việt và tiếng Hàn. Tuy nhiên, một số chuyên gia về tiếng Hàn đã chỉ ra rất nhiều lỗi trong luận án này mà một người biết tiếng Hàn ở trình độ sơ – trung cấp đều có thể phát hiện.

Trong luận án TS, tác giả T. lại sử dụng tài liệu tham khảo của không ít khóa luận tốt nghiệp của sinh viên liên quan đến tục ngữ. Thậm chí, luận văn của sinh viên được tác giả luận án đánh giá là “những ngữ liệu quan trọng” để sử dụng trong công trình bậc học TS của mình.

“Trong nghiên cứu khoa học, ai cũng biết một luật bất thành văn là luận án TS không thể nào trích dẫn, tham khảo tài liệu ở những công trình có học vị thấp hơn. Một luận án TS mà dựa trên nghiên cứu, quan điểm của sinh viên thì khó chấp nhận” - một chuyên gia về giáo dục sau ĐH nhận định.

Một giảng viên Việt Nam tại Hàn Quốc đã từng được TS T. nhờ sưu tầm, dịch một số tài liệu từ tiếng Hàn sang tiếng Việt cho luận án trên cho biết tác giả đã sử dụng phần dịch của bà ở nhiều cước chú nhưng không ghi tên, chức danh, học vị của bà. “Như vậy, sẽ không có căn cứ khoa học cho phần dịch này và người đọc sẽ hiểu chính tác giả là người dịch đoạn đó” - giảng viên này nhận xét.

Luận án của tác giả T. đã được bảo vệ thành công vào ngày 16-4-2007. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hội đồng bảo vệ luận án gồm 7 người và… không ai thành thạo tiếng Hàn!

Đủ kiểu đạo văn

PGS-TS Trần Hữu Tá, nguyên chủ nhiệm Khoa Văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM, thừa nhận tình trạng đạo luận án ngày càng tinh vi. “Học viên chỉ “luộc” cái khá, còn cái tồi thì không “luộc”. Bởi vậy, gặp những luận án hầu hết được viết rất thô thiển nhưng có đoạn lại bay bổng, trau chuốt là chúng tôi biết tác giả đã đạo văn” - PGS-TS Trần Hữu Tá cho biết.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, nhận định có rất nhiều kiểu đạo văn khó phát hiện như ghi nguồn tham khảo nhưng lại không ghi rõ trích dẫn, trong đó xào xáo một phần tài liệu tham khảo, trộn với phần của mình hoặc pha trộn nhiều tài liệu tham khảo khác nhau thành của mình; thay đổi từ ngữ nhưng ý tứ thì ăn cắp…

Ngoài ra, còn có các kiểu đạo văn trắng trợn như “cóp” nguyên xi của người khác mà không cho vào ngoặc kép và ghi nguồn trích dẫn; trích dẫn thật nhiều đoạn khác nhau mà không có chữ nào của mình.... “Dùng bất cứ tài liệu nào của người khác mà không ghi nguồn đều được coi là đạo văn và vi phạm Luật Bản quyền” - PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nhìn nhận. Ông Tống cũng cho rằng đạo văn dù ở dạng nào cũng là hành vi “đánh lừa”, “ăn cắp nguy hiểm”,  cần phải lên án và loại bỏ.

Dù biết đạo văn là không thể chấp nhận trong nghiên cứu khoa học nhưng nhiều luận án “luộc” đã qua mắt được hội đồng bảo vệ. Một PGS từng là thành viên trong hội đồng bảo vệ nhiều luận án TS cho biết có rất nhiều trường hợp trong luận án không đạo từng đoạn mà chỉ đạo từng câu nên rất khó phát hiện. Bên cạnh đó, học viên thường sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác nhau mà không phải lúc nào thành viên hội đồng cũng có thể tham khảo hết nguồn tài liệu đó.

Quy trình kín mà hở

Một nguyên nhân khác khiến việc đạo văn trong các luận án TS vẫn có đất sống, theo PGS-TS Trần Hữu Tá, là do quy trình làm luận án chưa có khâu kiểm tra cụ thể. Luận án TS hiện được làm theo các bước: Học viên nhận đề tài, thực hiện trong 3 năm cùng thầy hướng dẫn; sau đó nộp, bảo vệ cấp cơ sở, góp ý sửa chữa, phản biện độc lập, bảo vệ trước hội đồng… PGS-TS Trần Hữu Tá cho rằng quy trình này đã tạo ra kẽ hở để học viên không học vẫn có luận án, rồi có bằng TS.

PGS-TS Trần Hữu Tá kể lại một trường hợp học viên bảo vệ luận án về nghệ thuật trào phúng trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Luận án rất tốt nhưng thành viên hội đồng nghi ngờ đạo văn liền đề nghị học viên tóm tắt tiểu thuyết Số đỏ trong vòng 5-10 phút - một yêu cầu đơn giản mà học sinh THPT có thể làm được. Thế nhưng, học viên bảo vệ luận án TS này lại ấm ớ rồi cúi đầu!

Một chuyên gia giáo dục sau ĐH cũng cho biết khâu phản biện độc lập hiện kín mà chưa kín. Nhiều khi ông đang thực hiện phản biện độc lập nhưng lại có điện thoại gửi gắm, kiểu: “Học trò của mình đấy, chiếu cố chút nhé”! Theo chuyên gia này, những luận án lôm côm hoặc có đạo văn có thể phát hiện được nhưng vẫn tồn tại quan niệm “luận án là lý bên trong có tình” nên đôi khi nhắm mắt cho qua mà trong lòng ngao ngán. Quá trình làm và bảo vệ luận án tưởng chặt nhưng lại hở, đôi khi tưởng là thứ thiệt mà lại dỏm.

PGS-TS Trần Hữu Tá cho rằng để ngăn ngừa nạn đạo văn, quy trình làm và bảo vệ luận án TS cần chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn, tránh những đề tài na ná nhau nhưng vẫn được thực hiện. Trong quá trình thực hiện cần có những đợt kiểm tra kiến thức cơ bản liên quan đến đề tài mà học viên đang theo đuổi. Nghiên cứu sinh phải tập trung tại trường ít nhất 3 lần để làm chuyên đề kiểm tra tại chỗ.

Ngoài ra, học viên cần phải có những buổi thuyết trình về đề tài trong quá trình thực hiện luận án. Nếu không chuẩn bị, không có kiến thức mà đi “đạo” của người khác thì không thể nào đáp ứng được các kỳ kiểm tra tại chỗ và các buổi thuyết trình. Bên cạnh đó, phải có biện pháp chế tài đối với các trường hợp luận án bị phát hiện đạo văn
http://nguyenvantuan.net/english/1252-trich-dan-va-dao-van-

31 Văn phong khoa học

Văn phong khoa học In Email
Tôi mới xong một khóa học 9 ngày về cách viết và công bố bài báo khoa học ở Việt Nam. Qua khóa học và có dịp biên tập cho vài đồng nghiệp, tôi nhận ra vài điểm chung, và có cảm hứng viết tiếp những chỉ dẫn về cách viết bài báo khoa học.  Lần này, tôi bàn về văn phong khoa học, nhưng có lẽ cũng có liên quan đến văn phong báo chí, bởi mấy ngày nay người ta xôn xao bàn tán về hai đoạn văn mà có người cho là rất khoa học, nhưng lại có người cho rằng mập mờ.  Vậy thế nào là văn phong khoa học? Trong bài này, tôi cố gắng trả lời câu hỏi đó bằng cách bàn qua hai yếu tố: viết chính xác và sáng sủa, và cách cấu trúc một đoạn văn trong bài báo khoa học.
Văn phong khoa học rất khác với văn chương tiểu thuyết hay thơ. Đọc câu thơ Nếu anh còn trẻ như năm cũ / quyết đón em về sống với anh của Hoàng Cầm, hoặc câu Tôi tha thẩn giữa chùa Quán Ngữ / Lời chuộc tuổi mình, nói thật khai sinh của Lê Đạt (hai thi sĩ tôi rất ngưỡng mộ) chúng ta thấy ý tứ trừu tượng, tình cảm; từ ngữ du dương, thanh bằng thanh trắc hòa quyện tuyệt vời, nhưng trong khoa học thì không chấp nhận được.  Người ta sẽ hỏi năm cũ là năm nào, tuổi bao nhiêu là trẻ, sống với anh là sống ở đâu.  Đối với khoa học, hai câu thơ của Lê Đạt hoàn toàn không chấp nhận được, vì ít ai hiểu được ý nghĩa của hai câu đó là gì.  Một áng văn chương tiểu thuyết hay thơ có thể rất hay trong tiềm thức chúng ta, nhưng nếu nhìn qua lăng kính khoa học thì hoàn toàn vô nghĩa và không chấp nhận được.  Trong khoa học, bất cứ lĩnh vực khoa học nào, không có chỗ cho những câu chữ mập mờ.  Viết ra những câu văn để người đọc phải vò đầu bức tóc suy nghĩ xem tác giả muốn nói gì là không bao giờ chấp nhận được và thể hiện một sự thất bại trong việc chuyển tải công trình nghiên cứu đến người đọc.
Trong khoa học, có một “câu kinh” mà bất cứ ai cũng phải nằm lòng: clarity, clarity, and clarity.  Trong sáng, trong sáng, và trong sáng.  Người làm khoa học không thể mập mờ, không thể viết ra một đoạn văn để nhiều người hiểu nhiều nghĩa khác nhau được.  Do đó, văn chương khoa học là phải sáng sủa.  Sáng sủa từ cách dùng từ đến cách cấu trúc một câu văn và đoạn văn.
1.  Viết chính xác và sáng sủa
Trong khoa học, mục tiêu chính của chúng ta là chuyển tải những thông tin và dữ liệu một cách sáng sủa.  Nghệ thuật viết bài báo khoa học khác với nghệ thuật viết tiểu thuyết hay làm thơ.  Nghệ thuật viết tiểu thuyết và làm thơ, theo tôi hiểu, là viết bóng bẩy, tinh tế, và có chút huyền ảo.  Huyền ảo ở đây hiểu theo nghĩa ngụ ý.  Nhà văn sử dụng từ ngữ một cách tinh vi và cái thông điệp thường ẩn dưới những từ ngữ và cấu trúc đó, có khi ai muốn hiểu sao thì hiểu.  Tiêu biểu cho cách viết đó là Nhà văn Bùi Ngọc Tấn mà tôi ngưỡng mộ.  Nhưng trong khoa học, cách viết đó không bao giờ được chấp nhận.  Trong một bài báo khoa học, tất cả các chi tiết về những quan sát, những phát hiện phải được định nghĩa rõ ràng.  Trong tiểu thuyết, độc giả có thể ca ngợi một áng văn hay với những câu chữ bóng gió mang màu sắc huyền ảo về không gian và thời gian.  Nhưng trong “văn chương khoa học”, cái huyền ảo đó dứt khoát không có chỗ đứng; thay vào đó, độc giả đòi hỏi tác giả phải trình bày một câu chuyện thực tế, minh bạch, dứt khoát, và gọn gàng.
Bài báo khoa học thường có một cấu trúc đặc thù nhằm giúp người đọc không bị sao lãng khỏi nội dung chính của bài báo.  Tương tự, văn phong khoa học cũng cần phải tuân theo một công thức và đơn giản.  Ở đây, cần phải nhấn mạnh rằng phương tiện không phải là thông điệp; thông điệp là … thông điệp.  Do đó, nhà khoa học (hay tác giả của bài báo khoa học) cần phải làm cho thông điệp của bài báo chính xác và đảm bảo phương tiện không trở thành một vật cản.
Thế nào là viết một cách chính xác?  Theo tôi, đó là cách viết không có … trang điểm.  Hai chữ “trang điểm” ở đây là những chi tiết có thể làm cho người đọc sao lãng nội dung chính.  Thông thường, người đọc phải tiêu ra nhiều thời giờ hơn để đọc một câu văn có nhiều chi tiết mang tính trang điểm hơn là một câu văn trong sáng.  Do đó, khi viết văn khoa học, tác giả cần phải tập kĩ năng nhận dạng và “diệt” những từ vụng về, cảm tính, gián tiếp, và thừa.  Tôi sẽ trình bày một danh sách những câu chữ mang tính trang trí phía dưới bài này.
Xin nhắc lại như để nhấn mạnh là mục tiêu của chúng ta là viết (hay nói) một cách đơn giản và rõ ràng.  Chỉ viết những gì mình muốn nói, và nói một cách trực tiếp (chứ không úp mở hay gián tiếp).  Chẳng hạn như câu
  • It may therefore not be unexpected that … nên thay thế bằng một câu đơn giản và trực tiếp hơn như These results suggest that …
  • An effort was made to … là dài dòng; nên viết ngắn và thẳng hơn: We tried to
  • The sorbitol probably acts to increase … cũng dài dòng; nên thay bằng câu The sorbitol probably increases …
  • This gene is of significant interest for understanding commonalities in the evolutionary history of the microorganisms A and B có thể khó hiểu và cần thời gian khá lâu để hiểu.  Tác giả đáng lẽ có thể viết rõ ràng hơn và đơn giản hơn bằng cách nói cho người đọc biết chính xác là mình muốn chuyển tải thông tin gì đến người đọc.  Có thể một câu đơn giản hơn như A single mutation in this gene of microorganism A has brought about its new use in microorganism B sẽ có hiệu quả hơn câu trên.
Thỉnh thoảng một câu văn có khi ngắn quá và không nói hết ý, nên cần phải ngắt thành 2 hay 3 câu.  Chẳng hạn như câu It is our considered opinion that other authorities may have misstated the relative import of such particulate concatenations in the soluble phase of the paradigm là câu văn chung chung, cần phải viết cụ thể hơn như: In their 1994 paper, Drs. Williams and Wilkins say that the drug’s failures are due entirely to the clumping of suspended drug particles. In contrast, we propose that the viscosity of the solvent causes 40–50% of the failures.
Sử dụng con số
Nói một cách ví von, con số là trái tim và linh hồn của một bài báo khoa học.  Trong thực tế, son số là một “tài sản” của khoa học, bởi khoa học là cân đo đong đếm.  Chẳng những là tài sản của khoa học, mà con số còn có giá trị cao trong văn phong khoa học.  Điểm hay của con số là chính xác, khách quan, không nhập nhằng, và không có màu sắc cảm tính.  Hơn nữa, con số có thể sử dụng để mô tả nhiều sự vật trong thế giới tự nhiên; chẳng hạn như con số có thể mô tả hình dạng và kích thước.
Con số thường mang tính thuyết phục hơn chữ.  Bởi vì những tính từ định lượng thường được dùng trong khoa học, tác giả cũng nên định lượng các tính từ bằng con số.  Khi viết A is greater than B, thì đó là một mệnh đề tính từ, nhưng cách viết đó không rõ ràng, bởi vì có thể cao hơn 1 cm, 5 cm, hay thậm chí 10 cm.  Nhưng nếu viết A is greater than B by 2 m thì thông tin sẽ rõ ràng hơn, dứt khoát hơn.  Tương tự, khi nói brief , người đọc không biết thế nào là ngắn, có phải dưới 1 phút, hay 1 giây.  Cần phải dùng con số trong những trường hợp so sánh.
Vấn đề đặt ra trong văn phong khoa học là khi nào viết số và khi nào dùng chữ để mô tả con số.  Không có một qui định nào về vấn đề này, và mỗi tập san có những qui định riêng.  Tuy nhiên, có vài qui ước mà tác giả cần phải chú ý.  Qui ước phổ biến nhất là nếu một đại lượng dưới 10 thì dùng chữ, nếu trên 10 thì có thể viết số.  Bảng sau đây trình bày một số qui ước và ví dụ để viết số hay chữ.
Qui ước về điều kiện để viết con số
Điều kiện
Ví dụ
Đại lượng có giá trị trên 10
trial 14; 35 animals; 16 genera of legumes
Trước đơn vị đo lường
a wing 10 cm long; 35 mg of drug; 21 days
Số thập phân, hay có số lẻ
7.38 mm; 4 1/2 hours
Con số thể hiện một hàm số toán học hay kết quả, phần trăm, tỉ lệ
multiply by 5; fewer than 6%; 3.75 times as many; the 2nd quartile
Con số thể hiện số lần chính xác; độ tuổi; cỡ mẫu; điểm thí nghiệm; số tiền
About 3 weeks ago, at 1:00 a.m. on January 25, 2000, the 25-year-old patients with IQ scores above 125 all awoke simultaneously in the nursing home at 125 Oak Street. They were paid $25 apiece to go back to sleep
Số thấp hơn 10 đã được phân nhóm với số 10 hay trong một đoạn văn
4 of 16 analyses; the 1st and 15th of the 25 responses; lines 2 and 21
Con số biểu hiện một địa điểm cụ thể trong một dãy; những phần của sách và bảng số liệu.
Trial 6; Grade 9 (but the ninth grade); the groups consisted of 5, 9, 1, and 4 animals, respectively
Và dưới đây là qui ước về những điều kiện dùng chữ để mô tả số:
Qui ước về điều kiện để dùng chữ thay cho số
Điều kiện
Ví dụ
Đại lượng có giá trị thấp hơn 10 mà không phản ảnh một đo lường chính xác; con số dùng một cách vô định, xấp xỉ, hay chung chung
five conditions; trials were repeated four
times; a one-tailed t test; a three-way
interaction; about thirty years old
Đại lượng có giá trị thấp hơn 10 đã được phân nhóm cho so sánh với đại lượng có giá trị dưới 10
the second of four stimuli; five of eight
living animals; in six cases, the disease
lasted five times as long as in the other
four.
Bất cứ con số nào bắt đầu một câu văn, tựa đề
Five patients improved, and 15 did not.
Sixty-nine percent of the sample was
contaminated.
Các phân số thông thường
one quarter; reduced by half; a
three-quarters majority
Số không và số một khi chữ có thể dễ hiểu hơn, hoặc số không xuất hiện trong văn cảnh với đại lượng có giá trị 10 hay cao hơn
a one-line computer code; zero-based
budgeting; one animal gave birth (but
only 1 in 18 gave birth).
Nếu có nhiều kết quả bằng số mà tác giả muốn trình bày trong một câu văn hay đoạn văn, có thể thể hiện bằng một cách duy nhất, bất kể các qui ước trên đây.  Ví dụ:
The 7 dogs, 8 cats, 9 mice, and 6 gerbils were exposed to applications of flea powder.

The analysis revealed 22 complete answers, 4 incomplete responses, and
7 illegible ones.
Một qui ước khác là không nên bắt đầu câu văn bằng con số, mà nên dùng chữ để mô tả con số.  Ví dụ:
Không chuẩn: 550 ml of hydrochloric acid should be added.

Chuẩn nhưng khó đọc: Five hundred and fifty milliliters of hydrochloric acid should be added.

Chuẩn và dễ đọc: Add 550 ml of hydrochloric acid.
Có trường hợp tác giả phải dùng cả chữ và số trong một câu văn.  Chẳng hạn như a grant budget of $1.5 million; almost 4 billion species, và trong trường hợp trên thì vẫn có thể sử dụng những qui ước trên trong việc thể hiện số hay chữ.  Tuy nhiên, cần phải cẩn thận diễn tả sao cho không lượm thượm.  Ví dụ như câu
The 1st three animals; the first 3 animals
đọc thấy … kì kì, tuy chẳng có gì quá sai.  Cách viết chuẩn xác hơn là:
The first three animals
Dùng từ khách quan

Cố nhiên, tác giả không chỉ viết văn khoa học bằng con số.  Khi những chữ mang tính định lượng không có sẵn, tác giả có thể dùng những tính từ càng chính xác và khách quan càng tốt.  Thế nào là một câu văn chính xác và khách quan còn tùy thuộc vào khả năng của người đọc định nghĩa hai khía cạnh đó.  Chẳng hạn như câu The needle vibrated continuously hoàn toàn thích hợp trong một bài báo nếu người đọc được cho biết trước đó là cây kim nào, loại chấn động gì, và trong một thời gian bao lâu.  Trong khoa học, có một qui tắt chung là: định nghĩa tất cả những từ / thuật ngữ trong bài báo.
Ngoài qui tắt chung, một vài qui ước khác cũng có thể giúp cho một bài báo khoa học tốt hơn.  Một trong những qui ước này là đục bỏ những từ mang tính chủ quan hay mập mờ. Chẳng hạn như:
  • Những từ diễn đạt không có giới hạn, như a lot, fairly, long term, quite, really, short term, slightly, somewhat, sort of, very;
  • Những từ mang tính phán xét cá nhân, như assuredly, beautiful, certainly, disappointing, disturbing, exquisite, fortuitous, hopefully, inconvenient, intriguing, luckily, miraculously, nice, obviously, of course, regrettable, remarkable, sadly, surely, unfortunately;
  • Những từ gọi chung là “fillers” như  alright, basically, in a sense, indeed, in effect, in fact, in terms of, it goes without saying, one of the things, with regard to;
  • Những từ màu mè và những nhóm từ móc như agree to disagree, bottom line, brute force, cutting edge, easier said than done, fell through the cracks, few and far between, food for thought, leaps and bounds, no nonsense, okay, quibble, seat of the pants, sketchy, snafu, tad, tidbit, tip of the iceberg.

Sử dụng thì
Văn phong khoa học tốt không chỉ sử dụng ngữ vựng chính xác, mà còn sử dụng động từ một cách chuẩn mực.  Nói chung, khi bàn hay mô tả nghiên cứu, thì hiện tại dùng để chỉ những kiến thức phổ quát, những nguyên lí chung, trong khi thì quá khứ dùng để mô tả kết quả nghiên cứu.
Thì hiện tại dùng cho những phát biểu mang tính “chân lí”, phổ quát. Những phát biểu phổ quát là những gì được đa số cộng đồng khoa học người chấp nhận như là chân lí, sự thật, hay những phát biểu được trích dẫn/dựa vào sách giáo khoa và bài báo khoa học đã công bố.  Ví dụ:
  • Black-eyed Susan (Rudbeckia hirta), a member of the Aster family, is a plant native to North America.
  • Hexoses formed by digestion in the intestinal tract are absorbed through the gut wall and reach the various tissues through the blood circulation.

  • The term ‘nuclide’ indicates a species of atom having a specified number of protons and neutrons in its nucleus.

  • On a protein-rich diet, the amount of methylhistidine in the urine increases.
Thì quá khứ dùng cho những quan sát cụ thể. Kết quả nghiên cứu, đặc biệt là những quan sát, phát hiện cụ thể mà tác giả thu thập trong quá trình nghiên cứu, là những gì thuộc về lịch sử.  Do đó, tác giả phải dùng thì quá khứ để mô tả kết quả nghiên cứu. Ví dụ:
  • In photographs of Guatemalan tarantulas, we found that the number of dorsal stripes ranged from six to nine.
  • During his war-time expedition to Guatemala, Rawski (1943) reported finding tarantulas with 9 stripes.

  • Eighteen percent of the patients in our study developed a mild rash.

  • The diodes were compared at regular time points during the next 75 h.
2.  Cấu trúc đoạn văn
Đoạn văn là một đơn vị của bài báo khoa học.  Mỗi đoạn văn phải nói lên được một điểm. Khoảng cách giữa các đoạn văn nên có hiệu quả như là một hơi thở tinh thần (mental breath).  Thử tưởng tượng văn bản như theo trình tự như sau: ý tưởng 1, thở, ý tưởng 2, thở, v.v.

Phần lớn người đọc tiếp thu ý tưởng theo từng khoanh nhỏ, và những đoạn văn khoa học là những khoanh nhỏ đó.  Tác giả cần phải đánh giá khả năng tiếp thu (và tiêu hóa!) một đoạn văn bằng cách đơn giản đếm số câu văn trong đoạn văn.  Một đoạn văn lí tưởng chỉ cần 3 đến 4 câu văn, và 5 câu là tối đa.  Nếu một đoạn văn có hơn 6 câu văn, mà không có một hơi thở tinh thần, thì cần phải xem xét lại đoạn văn đó và cắt thành nhiều khoanh nhỏ hơn.
Thử đọc đoạn văn sau đây về insulin:
To keep all the cells in the body coordinated and working toward the same metabolic goals, the body uses hormones. Hormones are chemicals that are carried throughout the bloodstream, giving the same message to all the cells they meet.  For sugar metabolism, the hormone messenger is insulin. Insulin is a protein that is made in the beta cells, which are clustered inside the pancreas. When the level of glucose in the blood becomes too high, the beta cells secrete insulin molecules into the bloodstream; thus, after a meal, the pancreas puts a large dose of insulin into the blood. The message that insulin then transmits throughout the body is “it’s time to absorb, use, and store glucose.”

Đoạn văn trên có 6 câu văn, và chỉ độ dài của đoạn văn cũng đủ để tác giả phải xem xét lại cách viết.  Đọc đoạn văn trên, chúng ta thấy có 2 ý chính.  Ý thứ nhất là về hormones nói chung. Ý thứ hai là về insulin.  Để nhấn mạnh mỗi ý tưởng, tôi nghĩ cần phải chia đoạn văn thành hai đoạn văn ngắn hơn: một đoạn viết về hormones chung, và một đoạn nói về ảnh hưởng của insulin.  Ví dụ:

The body uses hormones to coordinate the metabolism of its many far-flung cells. A hormone is a chemical that is carried in the bloodstream and that gives a message to the cells it contacts. For sugar metabolism, insulin is one of the hormone messengers, and its message is “take up, use, and store glucose.
Insulin is a protein that is made in beta cells, which are clustered inside the pancreas. When the level of glucose in the blood becomes too high, the beta cells secrete extra insulin molecules into the bloodstream. After a meal, for instance, the pancreas secretes a large dose of insulin into the blood.
Trong văn chương tiểu thuyết, “thủy triều” của từ ngữ thường có chức năng chuyển tải một thông điệp tiềm thức và cảm tính, do đó có khi một đoạn văn chiếm cả một trang giấy.  Nhưng trong một bài báo khoa học, mục tiêu là trình bày thông tin một cách minh bạch.  Văn phong khoa học, do đó, phải hoàn toàn lạnh lùng và khách quan.  Công thức ý tưởng 1, thở, ý tưởng 2, thở … là một phương pháp hữu hiệu cho viết văn khoa học.

Cấu trúc một đoạn văn
Một đoạn văn khoa học tiêu biểu bắt đầu bằng một câu văn chủ đạo.  Câu văn này phát biểu một ý tưởng hay mục đích của đoạn văn.  Trong ví dụ trên, câu văn đầu The body uses hormones to coordinate the metabolism of its many far-flung cells nói cho người đọc biết rằng đoạn văn đầu sẽ nói về hormones như là những tín hiệu đường dài.  Trong đoạn văn thứ hai, câu mở đầu Insulin is a protein that is made in beta cells, which are clustered inside the pancreas cho chúng ta biết rằng đoạn văn này sẽ nói về insulin.
Những câu văn còn lại trong mỗi đoạn văn có chức năng giải thích thêm điểm chính của câu văn mở đâu.  Trong mỗi đoạn văn, những câu văn bổ nghĩa này có thể:
  • Cung cấp ví dụ để minh họa;
  • Cung cấp thêm chi tiết về điểm chính;
  • Nhắc nhở người đọc rằng điểm là một “thành viên” của một nhóm đối tượng có cùng đặc tính;
  • Nhấn mạnh đến ý nghĩa của điểm chính.
Trong ví dụ trên, câu văn mở đầu cho chúng ta biết rằng điểm chính của đoạn văn là
HORMONES = LONG-DISTANCE MESSENGERS
Câu thứ hai cung cấp chi tiết hai phía của phương trình trên:

HORMONE = CHEMICAL
HORMONAL MESSENGERS TRAVEL VIA THE BLOODSTREAM
Và sau cùng, câu thứ 3 cung cấp ví dụ cụ thể:
INSULIN = HORMONE
INSULIN’S MESSAGE = “TAKE UP, USE, AND STORE GLUCOSE”
Trôi chảy
Một bài báo khoa học phải được viết một cách trôi chảy, khúc chiếc.  Trôi chảy ở đây hiểu theo nghĩa người đọc có thể đọc mà không cần phải ngập ngừng.  Để duy trì sự trôi chảy, mỗi câu văn trong một đoạn văn nên dàn dựng cho câu văn kế tiếp.  Mỗi câu văn kế tiếp là một mở rộng câu văn trước.  Nói cách khác, chủ ngữ (subject) hay bổ ngữ (object) của câu số 1 là chủ ngữ hay bổ ngữ của câu số 2.  Bằng cách nối kết hai câu văn với nhau như thế, câu thứ 2 sẽ tiếp tục thảo luận và nối ý tưởng mới với những ý đã mô tả trước.
Trong ví dụ trên, trong đoạn văn đầu, hormone một bổ ngữ của câu 1, và được dùng như là chủ ngữ của câu 2:
The body uses hormones to coordinate the metabolism of its many far-flung cells. A hormone is a chemical that is carried in the bloodstream and that gives a message to cells it contacts.
Tương tự, hormone message là chủ ngữ và bổ ngữ của câu 2, và message được sử dụng như là một chủ ngữ, và hormone messenger là bổ ngữ của câu 3:
A hormone is a chemical that is carried in the bloodstream and that gives a message
to cells it contacts. For sugar metabolism, one of the hormone messengers
is insulin, and its message is “take up, use, and store glucose
Nối kết các đoạn văn
Một bài báo khoa học tốt là bài báo mà trong đó các đoạn văn được nối kết với nhau một cách logic.  Sự trôi chảy giữa các đoạn văn sẽ tự nhiên nếu chủ ngữ của câu văn mở đầu là chủ ngữ / bổ ngữ của câu văn cuối cùng trong đoạn văn trước đó.  Trong ví dụ trên, insulin chính là cây cầu nối hai đoạn văn:
The body uses hormones to coordinate the metabolism of its many far-flung cells. A hormone is a chemical that is carried in the bloodstream and that gives a message to cells it contacts. For sugar metabolism, insulin is a hormone messenger, and its message is “take up, use, and store glucose.”
Insulin is a protein that is made in beta cells, which are clustered inside the pancreas. When the level of glucose in the blood becomes too high, the beta cells secrete extra insulin molecules into the bloodstream. After a meal, for instance, the pancreas puts a large dose of insulin into the blood.
Từ câu văn này đến câu văn kế tiếp, và từ đoạn văn này sang đoạn văn khá, thông tin hay lí luận cần phải được trình bày theo công thức đường thẳng:
Điểm A liên quan hay ám chỉ  điểm B, điểm B hàm ý điểm C, điểm C dẫn đến điểm D …  Một cách hình tượng:
A → B, B → C,  C→ D
Logic tuyến tính (đường thẳng) là cách trình bày có hiệu quả nhất.  Hiệu quả ở đây là người đọc dễ hiểu và dễ theo dõi.  Do đó, tác giả bài báo khoa học cần phải luyện kĩ năng xây dựng những đoạn văn bằng cách sử dụng logic tuyến tính.
PS. Sau đây là danh sách những từ hay thấy trong bài báo khoa học mà có thể viết đơn giản hơn:
Thay những từ / cụm từ này
Bằng những từ / cụm từ này
a considerable amount of
many, much
absolutely essential
Essential
almost unique
Rare, uncommon
an order of magnitude more than
ten times
as to whether
Whether
completely full
Full
considered as
considered
considering the fact that
Although, because
Decline
Decrease
different than
different from, unlike
due to the fact that
Because
each and every
each
end result
result
equally as
equally
exact same, exactly the same
Identical
exhibit a tendency
Tend
final outcome
outcome
firstly, first of all
First
foregone conclusion
Expected
foreseeable future
future
have a tendency
Tend
having gotten
having got
help and
help to
higher in comparison to
higher than
if and when
If, when
in close proximity to
Near
in spite of the fact that
Although
in the final analysis
Finally
in the realm of possibility
Possible
including but not limited to
Including
inside of
inside
Intimate
suggest, indicate
Irregardless
regardless
last but not least
Finally
Methodology
method, methods
Multiple
Many
nearly unique
rare, uncommon
Obviate
Prevent
Orientate
Orient
Preventative
Preventive
prove conclusively
prove
referred to as
Called
regarded as being
regarded as
seeing that
Because
the question of whether
Whether
Transpire
Happened
up in the air
Undecided
very unique
unique
whether or not
whether
 http://nguyenvantuan.net/english/1242-van-phong-khoa-hoc