Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

26 Tiếng Anh trong khoa học

Tiếng Anh trong khoa học In Email
Ai cũng biết tiếng Anh đã và đang “thống trị” trong khoa học.  Nhưng hình như ít ai biết được những số liệu cụ thể về mức độ thống trị của tiếng Anh đến đâu.  Tôi mới đọc được một bài phân tích dưới đây, và có vài thông tin thú vị mà có lẽ nhiều bạn quan tâm cũng muốn biết, nên tôi trình bày vài dữ liệu để các bạn tham khảo.
PubMed là một hệ thống thư viện y sinh học toàn cầu.  Tính đến nay, PubMed đã có hơn 16 triệu bài báo khoa học và 4000 tập san y sinh học chọn lọc từ 70 quốc gia trên thế giới được lưu trữ từ những năm 1950.  Do đó, để biết được sự phân bố ngôn ngữ trong khoa học, có lẽ PubMed là một nguồn dữ liệu lí tưởng.  Một nhóm nhà nghiên cứu truy tìm tất cả những bài báo khoa học trong PubMed từ 1967 đến 2006.  Họ chia ra mỗi 10 năm để xem xu hướng biến chuyển về ngôn ngữ trong khoa học ra sao.  Bảng sau đây tôi tóm lược dữ liệu của họ.
Tỉ trọng (%) bài báo trong PubMed phân chia theo vài ngôn ngữ chính

Ngôn ngữ
1967-1976
1977-1986
1987-1996
1997-2006
Anh
63.3
74.0
83.4
89.3
Đức
9.3
5.2
2.9
1.6
Nga
7.3
5.5
2.9
1.2
Pháp
6.2
3.8
2.5
1.6
Nhật
3.2
3.1
2.3
1.3
Tây Ban Nha
1.5
1.3
1.3
1.1
Ý
2.8
1.7
0.9
0.4
Trung Quốc
0.05
0.6
0.8
1.5
Nguồn: Eleni P, et al. Increasing dominance of English in publications archived by PubMed. Scientometrics 2009; 81:219-223.
Nhìn qua kết quả trên chúng ta thấy một xu hướng hiển nhiên là tiếng Anh không phải chỉ thống trị khoa học mới đây, mà đã ở vị trí đó từ thập niên 1960 (và có thể trước đó).  Ngay từ thập niên 1960-1970, số bài báo y sinh học bằng tiếng Anh đã chiếm 63% tổng số bài báo y sinh học toàn cầu.  Cho đến nay, tiếng Anh vẫn đứng vị trí số 1.
Chẳng những đứng vị trí số 1, mà tiếng Anh còn liên tục tăng trưởng trong thời gian 40 năm qua. Thật vậy, trong thời gian 1967-1976, 63% bài báo y sinh học viết bằng tiếng Anh, nhưng đến năm 1997-2006 thì tỉ lệ này gần 90%, tăng gần 27%!  Trong cùng thời gian, các ngôn ngữ khác như Đức giảm từ 9.3% (trong thời gian 1967-1976) còn chỉ 1.6% trong thời gian 1997-2006.  Tiếng Pháp, Nga, Nhật, Ý cũng có cùng số phận với tiếng Đức.  Chẳng hạn như số bài báo y sinh học tiếng Pháp giảm từ 6.2% (1967-1976) xuống còn 1.6% (1997-2006).
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là bài báo tiếng Hoa tăng khá nhanh. Bốn mươi năm trước, số bài báo y sinh học viết bằng tiếng Hoa không đầy 0.1%, nhưng nay thì con số đó đã tăng lên 1.5%, tức gần bằng Pháp và Đức.
Tóm lại, kết quả phân tích trên đây cho thấy tiếng tiếng Anh đã thật sự trở thành một ngôn ngữ khoa học.  Để khoa học Việt Nam hội nhập, chúng ta phải học tiếng Anh!
http://nguyenvantuan.net/english/1090-tieng-anh-trong-khoa-hoc

Không có nhận xét nào: