Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Văn phong khoa học: tính từ và trạng từ


InEmail
http://kmh-lanl.hansonhub.com/writinghardwork.jpgMark Twain từng viết rằng “khi bạn bắt được một tính từ, giết nó!” Tác gia nổi tiếng Stephen King cũng từng nói rằng “con đường đến địa ngục được lót bằng trạng từ”. Những ai mới bắt đầu sự nghiệp xuất bản khoa học, lời khuyên đầu tiên và cũng là câu “kinh kệ” là: trong sáng, trong sáng, và trong sáng (clarity, clarity, and clarity). Văn khoa học không có chỗ cho những chữ õng ẹo làm dáng, không phải là nơi để khoe chữ bằng cách diễn tả làm bộ như cao siêu, thâm sâu (mà trong thực tế là vô nghĩa và chính tác giả cũng chẳng hiểu mình nói gì!) Để giữ tính trong sáng, cần tránh tính từ và trạng từ. Thế nhưng trong khoa học xã hội thì người ta có xu hướng thích hai loại từ này. Thật vậy, một nghiên cứu mới đây cho thấy trong khoa học xã hội các tác giả có xu hướng dùng nhiều tính từ và trạng từ hơn trong khoa học tự nhiên.

Trong văn phong khoa học, có khái niệm cluttered writing, đề cập đến cách viết làm cho độc giả sao lãng cái thông điệp chính của câu văn. Clutter tiếng Anh có nghĩa là ồn ào, hoạt náo, lộn xộn. Những từ cluttered có nghĩa là những từ làm cho người đọc cảm thấy câu văn ồn ào, và lộn xộn, trở nên khó hiểu. Câu văn dưới đây chính là một ví dụ tiêu biểu, vì khi đọc xong câu văn, người đọc bị hoa mắt với những trạng từ và quên đi ý chính của tác giả là gì.
The righteous thing is that a foreign language is nothing more than a foreign language which may due to some whatsoever reasons and howsoever it is coexist with the mother tongue, the very language a person eversince his first day thrown by All Mighty down onto the very lap of his mother starts to intensionally and intentionally hear, to intuitively sense, to indefectibly imitate and then to industriously develop.”
English is not just for saying Hello, asking for direction, or crying for Help!. And when a learner of English can use English to exactly and elaborately and correctly and fully and understandably and a-hundred-more-ly’s express his/her idea, opinion or theory, he/she can say that the target of being good at English is satisfactorily achieved!
Đó là câu văn tôi trích từ bài luận văn chỉ dẫn cách học tiếng Anh của ông Hoàng Hữu Phước, người gây ra vài tranh cãi gần đây về phong cách “tranh luận” độc đáo của ông. Câu văn đó nổi bật ở chỗ không chỉ là số từ (69 từ trong câu đầu, 55 từ trong câu hai), mà nó có rất nhiều trạng từ: intensionally, intentionally, intuitively, indefectibly, industriously, exactly, elaborately, correctly, fully, understandably, a-hundred-more-ly, satisfactorily. Riêng chữ a-hundred-more-ly thì chắc ông chế ra, chứ theo tôi biết, tiếng Anh không có chữ đó. Hai câu văn 124 chữ, mà có đến 12 trạng từ (gần 10%)! Có thể nói rằng đó là một câu văn rất lạ lùng, và có lẽ là độc nhất vô nhị trong văn tiếng Anh.
Viết bài báo khoa học là một hình thức truyền đạt ý tưởng và thông tin. Những câu chữ ồn ào không giúp ích gì cho mục tiêu đó. Ngày nay, mỗi chúng ta bị dội bom thông tin quá nhiều. Chỉ tính riêng khoa học, có thống kê cho biết lượng thông tin tăng 4.7% mỗi năm, và cứ 15 năm thì lượng thông tin tăng gấp 2 lần. Trong bối cảnh đó viết văn đơn giản và rõ ràng là yếu tố rất quan trọng để nâng cao hiệu quả của việc truyền đạt ý tưởng. Một trong những cách để đơn giản hoá câu văn là cố gắng tránh trạng từ và tính từ. Nên nhớ là chỉ “cố gắng” thôi, chứ trong vài trường hợp, chúng ta vẫn phải sử dụng đến hai loại từ này để bổ nghĩa hay nhấn mạnh một điểm nào đó. William Zinnser, một chuyên gia về văn phong khoa học, nhận xét rằng:
Phần lớn trạng từ là không cần thiết. Bạn sẽ làm cho câu văn tối nghĩa và làm phiền độc giả nếu chọn một động từ có một nghĩa đặc biệt nào đó rồi thêm vào trạng từ mà cũng chỉ để nói lên một ý [….] Đa số tính từ cũng không cần thiết. Cũng như trạng từ, tính từ rải vào câu văn bởi những tác giả quên rằng khái niệm đã bao hàm trong danh từ.
Nhưng không phải tính từ hay trạng từ nào cũng vô dụng. Một số câu văn cũng cần thiết có tính từ và trạng từ để bổ nghĩa. Cách dùng có thể tham khảo qua trang web Natural Language Toolkit (NLTK). Đây là trang web và software theo tôi là rất hay và có ích cho những ai cần tham khảo về cách viết tiếng Anh và phân tích tiếng Anh. Do đó, bài báo khoa học vẫn cần đến trạng từ và tính từ, nhưng tần số sử dụng có lẽ còn tuỳ thuộc vào văn cảnh và ý nghĩa của câu văn.
Xu hướng dùng tính từ và trạng từ rất khác nhau giữa các bộ môn khoa học. Tác giả Adam Okulicz-Kozaryn làm một phân tích thống kê về xu hướng dùng hai loại từ này trong các bài báo khoa học, và cho ra kết quả rất thú vị. Tác giả điểm qua 1000 bài báo công bố trong thời gian 2000 đến 2010 trong JSTOR. Ông dùng NLTK để tính số tính từ và trạng từ trong mỗi bài báo, rồi chia số này cho tổng số từ trong bài báo. Kết quả cho thấy tính từ và trạng từ chiếm khoảng 1 đến 1.15% tổng số từ trong bài báo khoa học. Tuy nhiên, phân bố thì rất khác nhau giữa các bộ môn. Đứng đầu tỉ lệ dùng tính từ và trạng từ là khoa học xã hội (1.15%). Các ngành khoa học nhân văn, luật, nghệ thuật, kinh tế cũng sử dụng khá nhiều tính từ và trạng từ. Những bài báo về khoa học tự nhiên có tỉ lệ tính từ và trạng từ thấp nhất (1%).  
  • Khoa học xã hội: 1.15%
  • Khoa học nhân văn: 1.13%
  • Lịch sử học: 1.12%
  • Luật: 1.10%
  • Nghệ thuật: 1.09%
  • Kinh tế, thương mại: 1.07%
  • Y học: 1.06%
  • Khoa học tự nhiên, toán học: 1.00%
Như vậy, một bài báo trung bình (khoảng 6000 từ) thì có đến ít nhất 60 trạng từ và tính từ. Cũng cùng độ dài, số trạng từ và tính từ của các bài báo khoa học xã hội nhiều hơn 50% so với bài báo khoa học tự nhiên. 
Tác giả (không phải tôi) kết luận rằng vì giới khoa học xã hội dùng nhiều tính từ và trạng từ nên bài báo của họ khó đọc và khó hiểu hơn là bài báo của giới khoa học tự nhiên. Tôi thì nghĩ kết luận này chưa phải là dữ liệu yểm trợ, vì tác giả mới cung cấp con số tính từ và trạng từ trong bài báo khoa học, chứ chưa đánh giá thế nào là khó hiểu/đọc và thế nào là dễ hiểu/đọc. Nhưng kết quả phân tích cũng đáng để chúng ta lưu tâm giảm số tính từ và trạng từ khi viết bài báo.
Tham khảo:
Okulicz-Kozaryn A. Cluttered writing: adjectives and adverbs in academic. Scientometrics 6/1/2013 Nguon nguyenvantuan.net.

Không có nhận xét nào: