Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Tại sao bài báo khoa học bị từ chối?


Read : 526 times
http://www.nature.com/polopoly_fs/7.6838.1349964812!/image/1.11583_Reject-Stamp.jpg_gen/derivatives/landscape_300/1.11583_Reject-Stamp.jpgHôm qua (27/12) tôi có dịp nói chuyện trong một seminar của Khu công nghệ cao Sài Gòn (Saigon High Tech Park – SHTP). Trong 3 bài nói chuyện, có một bài bàn về lí do bài báo khoa học bị từ chối. Đây là một đề tài tôi tìm hiểu cũng khá lâu trong vai trò của một tác giả, người bình duyệt, và biên tập. Tôi có thể chia sẻ những lí do từ chối bài báo khoa học mà có lẽ ít khi nào được đề cập một cách công khai trên các tập san khoa học. Nhiều bạn đề nghị tôi chia sẻ bài này cùng các bạn không có dịp tham gia buổi seminar, nên tôi đăng kèm theo đây bài nói chuyện đó. Nhân dịp năm mới sắp về, mến chúc các bạn xa gần một năm mới an khang và nhiều may mắn.

Bất cứ ai làm khoa học cũng có hơn một lần ngậm ngùi thấy tác phẩm của mình bị từ chối. Ngày nay, tin bị từ chối thường được gửi qua email, mà dòng đầu của lá thư thường có câu đại khái như “Thưa giáo sư ABC: Chúng tôi đau lòng báo tin cho giáo sư biết rằng bài báo của giáo sư không được chấp nhận cho công bố trên tập san XYZ. Chúng tôi nhận khoảng 1000 bản thảo mỗi năm, và chúng tôi phải từ chối khoảng 90%, dù những bài báo đó rất tuyệt vời. Cám ơn giáo sư đã cho chúng tôi cơ hội xem qua công trình của giáo sư, và hi vọng rằng trong tương lai, giáo sư sẽ tiếp tục gửi bài cho chúng tôi.” Thật ra, họ nói là “đau lòng”, chứ trong thực tế thì họ chẳng đau lòng chút nào cả! Họ nói là đã đọc qua, nhưng chắc gì họ thật sự đã đọc hết bài báo. Kinh nghiệm của tôi cho thấy, họ chỉ đọc tựa đề, bản tóm tắt, và xem qua vài bảng số liệu hay biểu đồ mà thôi, và họ quyết định từ đó. Do đó, để nâng cao xác suất được chấp nhận, cần phải đặt tựa đề bài báo cho thích hợp, soạn bảng biểu cho thật tốt và công phu.
Đọc những lá thư như trên là một kinh nghiệm đau lòng. Có lần một nghiên cứu sinh của tôi khóc ròng khi nhận lá thư từ chối, và chị ấy phải mấy cả 3 tuần lễ mới “hồi phục”. Phản ứng trước quyết định bị từ chối có khi rất … cảm tính. Chẳng hạn như lá thư nổi tiếng dưới đây của một tác giả gốc Âu châu gửi cho tổng biên tập của American Journal of Epidemiology (tập san số 1 vè dịch tễ học trên thế giới mà tôi là một người duyệt bài) có đoạn viết:
Dr. Szklo,
What could I expect from an american (sic) editor? I will no longer buy american (sic) products.
Rõ ràng, tác giả rất giận dữ. Chú ý rằng tác giả không thèm có chữ “Dear” trước tên của ông Szklo. Ông còn “giận cá chém thớt” bằng cách đe dọa không mua hàng hóa của Mĩ. Có lẽ vì quá giận, nên vị tác giả này thậm chí viết sai chính tả (hay cố tình đánh vần thường cho chữ American)!
http://mariechelini.files.wordpress.com/2012/07/rejection-letter.jpg?w=300&h=255
“Thủ phạm” từ chối không ai khác hơn là tập san khoa học, hay nói đích xác hơn là ban biên tập. Thật ra, ban biên tập chỉ là người ra quyết định sau khi xem xét đề nghị của các chuyên gia bình duyệt. Do đó, thủ phạm đích thực chính là các chuyên gia bình duyệt dấu mặt. “Dấu mặt” hiểu theo nghĩa tác giả không biết họ là ai, theo nguyên tắc bảo mật, nhưng họ biết tác giả là ai.
Là người bình duyệt và biên tập cho một số tập san khoa học qua nhiều năm, tôi thu thập được một số kinh nghiệm và thông tin về số phận những bài báo khoa học bị từ chối. Mỗi năm, ban biên tập thường có một buổi họp cuối năm để nghe nhà xuất bản báo cáo về số lượng bản thảo được nộp, số bài bị từ chối, và lí do bị từ chối. Qua những cuộc họp này, tôi có thể biết được một số lí do bài báo bị từ chối chính. Những lí do này có thể tóm lược trong 4 nhóm:
  • Tầm quan trọng của đề tài nghiên cứu
  • Phương pháp và thiết kế nghiên cứu
  • Cách trình bày dữ liệu và cách viết
  • Diễn giải kết quả nghiên cứu
Chi tiết của những lí do vừa đề cập trên được đề cập trong bài nói chuyện (kèm theo đây). Những công trình nghiên cứu “me too” (tức lạp lại hay bắt chước nghiên cứu trước đây) sẽ khó có cơ hội công bố trên các tập san có tiếng. Những nghiên cứu mà câu trả lời chẳng có ảnh hưởng gì đến chuyên ngành, chẳng gây tác động gì đến chính sách công hay thực hành lâm sàng cũng khó có cơ hội được công bố. Những vấn đề liên quan đến phương pháp nghiên cứu (mô hình không thích hợp, phương pháp đo lường kém, phương pháp phân tích dữ liệu sai, thiết kế sai, v.v.) cũng là một trong những lí do bị từ chối nhiều nhất. Bảng dưới đây thống kê những lí do bị từ chối phổ biến nhất. Gần 3/4 bài báo bị từ chối là do khiếm khuyết về phương pháp nghiên cứu và phương pháp luận.
Một số lí do chính
Phần trăm
Phương pháp và phương pháp luận
74.3
Tầm ảnh hưởng thấp hay không có ảnh hưởng
60.3
Văn phong
58.4
Tổng quan tài liệu
50.9
Phân tích dữ liệu
42.1
Cấu trúc bài báo
34.6
Chất lượng và tính nghiêm túc
30.0
Lấy mẫu
29.2
Phần kết luận
27.6
Phần bàn luận
25.2
Tài liệu tham khảo
23.6

Hai nhóm nguyên nhân bị từ chối khác là văn phong khoa học và diễn giải kết quả. Văn phong khoa học dở, tiếng Anh sai quá nhiều, cách trình bày dữ liệu lượm thượm, v.v. thường làm cho người bình duyệt bực mình và rất dễ bị từ chối. Ngoài ra, kết luận không phù hợp với dữ liệu cũng là một trong những lí do bị từ chối khá thường xuyên.
Biết được lí do bài báo bị từ chối cũng là một cách học. Học để nâng cao xác suất được chấp nhận của bài báo kế tiếp cao hơn. Nếu những phân tích trên đây cung cấp một thông điệp chính, tôi nghĩ đó là vấn đề ý tưởng và phương pháp. Đừng phí thì giờ cho những ý tưởng làng nhàng tủn mủn, những ý tưởng “mickey mouse”, vì những nghiên cứu như thế sẽ chẳng dẫn tác giả đi đến đâu trong khoa học. Ý tưởng hay mà phương pháp không thích hợp cũng khó có cơ may được công bố. Bởi vì gần 75% bài báo bị từ chối là do khiếm khuyết về phương pháp, nên các tác giả cần phải đặc biệt quan tâm đến phần phương pháp nghiên cứu.
Thật ra, bài báo bị từ chối có khi là một cơ hội hay.  Theo một phân tích mới đây, những bài báo bị từ chối sau khi được chỉnh sửa lại thường được công bố trên những tập san có impact factor cao.  Do đó, không nên buồn khi thấy công trình của mình bị từ chối, mà nên xem đó là một cơ hội để làm cho tốt hơn và hay hơn.
N.V.T 

Không có nhận xét nào: