Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

17 Tiếng Anh bài 17: Danh từ như là tính từ

Tiếng Anh bài 17: Danh từ như là tính từ In Email
Nhân một bạn đọc hỏi về cụm từ “A systems dynamics model”, tôi muốn bàn thêm về cách sử dụng danh từ như là tính từ.
Đọc báo chí, và nhất là tạp chí khoa học, chúng ta hay gặp những cụm từ mà nếu chiếu theo qui luật văn phạm thì có vẻ sai, nhưng kì thực là đúng.  Những cụm từ này phải hiểu trong bối cảnh của thuật ngữ và đặt trong qui ước danh-từ-như-là-tính-từ.  Cách viết A systems dynamics model là một ví dụ.  Thoạt đầu, đọc qua thì thấy hơi ngờ ngợ.  Ai cũng biết system là danh từ (số ít); dynamics cũng là danh từ (tính từ là dynamic như trong câu “he is a dynamic man”, nhưng dynamic cũng có thể là danh từ như trong câu “the dynamic of bone”); model cũng là danh từ, vậy tại sao 3 danh từ đi liền với nhau mà không có giới từ?  Theo tôi hiểu, khi viết A systems dynamics model, tác giả muốn nói:

(a) model (mô hình) là danh từ chính, là chủ từ của cụm từ;
(b) dynamics là danh từ dùng để chỉ chuyển động học;
(c) systems là một danh từ nhưng dùng như là một tính từ.  Chúng ta có thể nói “A systems approach to the study of bone diseases” để nói về một cách nghiên cứu tổng thể, trong đó systems tuy là danh từ nhưng “phục vụ” như là tính từ trong câu trên.
Do đó, cách viết A systems dynamics model là hoàn toàn chấp nhận được, vì systems ở đây là danh-từ-như-là-tính-từ.  Có lẽ thuật ngữ đó dùng để chỉ một mô hình tổng thể về chuyển động học.
Danh từ như là tính từ
Trong cách viết / nói hàng ngày, cách dùng danh từ như là tính từ cũng khá phổ biến.  Chẳng hạn như chúng ta có thể nói animal house (thay vì house for animals), gene-environment interactions (thay vì dùng tính từ như genetic and environmental interactions), v.v... Đặc biệt trong khoa hoc, các bộ môn học thường sử dụng cách viết danh từ như là tính từ để tăng phần trịnh trọng.  Chẳng hạn như thay vì đặt tên “Genetic Society of Houston” (Hội di truyền học Houston) người ta có thể đặt tên trang trọng hơn như “Genetics Society of Houston”.  Ở đây, genetics thật ra là danh từ nhưng chúng ta dùng như là tính từ, và tên với danh từ thì lúc nào cũng nghe “kêu” hơn là tên với tính từ.  Đó là yếu tố tâm lí mà các nhà ngữ học từng chỉ ra rất lâu trước đây!
Danh từ bổ nghĩa
Sẵn đây, nói thêm một số danh từ mang tính bổ nghĩa, mà văn phạm tiếng Anh gọi là “noun modifier”.  Ví dụ:
Thay vì viết/nói
Chúng ta có thể viết/nói
Luke is a champion in swimming
Luke is a swimming champion
May I have a spoon for eating soup, please
May I have a soup spoon, please
Ring the bell aside the door
Ring the door bell
Tất cả những cách viết / nói trong cột thứ 2 đều có cùng nghĩa với cách viết / nói trong cột 1.  Tuy nhiên, với cách dùng danh từ bổ nghĩa thì chúng ta viết ngắn hơn, tức là bớt rườm rà hơn.  Thay vì nói “champion in swimming”, chúng ta bỏ giới từ in và chuyển swimming đứng trước danh từ champion, và thế là chúng ta có một cách viết gọn hơn.  Đây cũng là một “thủ thuật” để giảm số chữ cho các tập san khoa học khi họ yêu cầu!
Danh từ số nhiều và số ít mang tính bổ nghĩa
Thông thường, tính từ không có số nhiều.  Nhưng cũng có vài ngoại lệ (ngôn ngữ nào cũng có ngoại lệ, và mấy ngoại lệ này làm chúng ta rất “mệt”, vì phải để ý và nhớ chúng) mà theo đó tính từ có thể có số nhiều!  Những ngoại lệ này xảy ra khi tính từ có nghĩa:
(a)    đa dạng, đa hình thức;
(b)   không có danh từ số ít thay thế;
(c)    chỉ bằng cấp của một ngành học;
(d)   chỉ văn phòng, bộ môn, ngành học;
(e)    nói về tin tức hay một vấn đề xã hội.
Ví dụ: I have just attended a jobs fair, The customs officer asked me questions, She is studying to get a Linguistics degree, I can be found in the Arts Department, I went for an orthopedics course last year, v.v…
Hi vọng những giải thích trên đây đã giúp làm sáng tỏ vấn đề mà bạn đọc nêu lên.
TB. Thật ra, bạn đọc này còn nói thêm rằng “Ở Việt Nam, em thấy nhiều giáo sư, phó giáo sư hay tranh luận về những thuật ngữ trong lý luận. Ở bên này (Bỉ, Hà Lan), em thấy người ta ít tranh luận về terminology mà chỉ tranh luận về vấn đề được nêu ra thôi. Có phải là em chưa đủ kinh nghiệm để đối mặt với những cuộc tranh luận về term hay là ở nước ngoài, người ta ít tranh luận về từ ngữ mà từ ngữ chỉ dùng để người đọc cảm nhận rằng tác giả có là expert trong vấn đề đó hay không thôi ạ?”  Tôi cũng có cùng nhận xét như thế.  Ở VN, người ta có khi tiêu ra rất nhiều thì giờ để bắt bẻ (chứ không hẳn là tranh luận) đồng nghiệp hay nghiên cứu sinh về một thuật ngữ nào đó, mà theo tôi là không cần thiết.  Những bắt bẻ như thế có khả năng đánh lạc hướng vấn đề đang bàn, và đó là một điều đáng tiếc.  Do đó, trả lời bạn đọc và cũng là quan điểm của tôi là: cứ để họ cãi cọ nhau về thuật ngữ tiếng Anh (mà có khi chính họ cũng không hiểu hết), mình cứ làm chuyện của mình cho đến nơi đến chốn là ok, chứ không nên sa đà vào chuyện cãi cọ không có hồi kết.
Một bạn đọc khác phát hiện một lỗi viết trong bài số 12.  Tôi đã sửa.  Chân thành cám ơn bạn đọc Leona
http://nguyenvantuan.net/english/950-tieng-anh-bai-17-danh-tu-nhu-la-tinh-tu-

Không có nhận xét nào: