Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

19. Sử dụng “we” trong “văn chương khoa học”

Sử dụng “we” trong “văn chương khoa học” In Email
http://www.teacherspayteachers.com/data/thumbnails/SubjectPersonalPronounPicturesGreatforLa.pdf.04.jpgMột triết gia Pháp từng nói rằng “cái tôi đáng ghét”.  Nhớ lại hồi mới bắt đầu viết bài báo khoa học, thầy tôi dặn rằng không nên viết theo thể active (chủ động) như “I have” hay “We propose”, vì viết như thế rất dễ làm người đọc … ghét.  Thầy tôi nói cách tốt nhất là viết văn khoa học theo thể thụ động (passive voice). Nhưng ngày nay thì tôi thấy một số không ít tập san khuyên tác giả nên viết theo thể chủ động.

Xem thêm: Ảnh hưởng của tiếng Anh đến bài báo khoa học.
Cách viết theo thể chủ động có chức năng chính đáng trong một bài báo khoa học. Thông thường, cách viết như thế là để mô tả mục tiêu nghiên cứu, cấu trúc câu văn rõ ràng hơn, tuyên bố “chủ quyền” của một ý tưởng nào đó, phát biểu giả thuyết, trình bày kết quả nghiên cứu, phát biểu ý kiến cá nhân, v.v… Trong quá khứ đã có vài nghiên cứu cho thấy cách dùng thể chủ động có xu hướng rất khác nhau giữa tác giả với tiếng Anh là ngoại ngữ và tác giả với tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ.  Một người mới học tiếng Anh hay mới vào nghiên cứu chưa có tên tuổi gì mà dùng “I” hay “We” như là ta đây có thẩm quyền thì rất phản cảm.
Thông thường cách viết với chủ từ “I” hay “We” trong khoa học tùy thuộc vào vị trí của tác giả trong khoa học.  Nếu người viết là một người rất nổi tiếng viết “I think” thì chắc chẳng ai đặt vấn đề hay thấy khó chịu, nhưng nếu người viết là một nghiên cứu sinh mà viết như thế thì chắc chắn sẽ làm người đọc khó chịu.  Tuy nhiên, làm sao biết mình nổi tiếng hay không, và lấy gì để đo lường cái gọi là “nổi tiếng”?  Do đó, qui ước bất thành văn trong khoa học là dùng thể thụ động hay impersonal khi viết văn khoa học.  Nhưng có ý kiến cho rằng viết văn theo thể thụ động rất khó theo dõi (như tôi có đề cập trong một bài trước).  Do đó, một số tập san y khoa nổi tiếng như New England Journal of Medicine, Lancet, JAMA … khuyến khích tác giả nên viết theo thể chủ động.  Thật ra, kinh nghiệm của tôi cho thấy họ có khi biên tập lại câu văn của mình, sửa từ thể thụ động sang thể chủ động!  Nhưng số bài báo viết thể thể chủ động nói chung vẫn chưa được đại đa số tác giả chấp nhận.
Người phương Tây làm cái gì cũng có “cânđo đong đếm”.  Câu hỏi đơn giản là trong những bài báo khoa học, tần số sử dụng “I” hay “We” là bao nhiêu.  Để trả lời câu hỏi này, một học giả Tây Ban Nha xem qua 55 bài luận văn khoa học trong ngành kĩ thuật (engineering), với mỗi bài báo có nhiều tác giả.  Sau đó, qua sử dụng phương pháp corpus, bà làm thống kê tần số sử dụng.  Nhìn chung đây là một công trình khá công phu với phương pháp rất tốt.
Kết quả cho thấy tần số sử dụng “We” và “I” là 10.3 trên 1000 từ (tức khoảng 1%).  Tần số này tương đối cao so với các nghiên cứu trước, vốn chỉ dao động trong khoảng 6 đến 7 trên 1000 từ.  Bảng dưới đây cho thấy 40 động từ được sử dụng thông dụng nhất theo sau đại danh từ “We”:
Động từ Tần số Động từ Tần số
Have 252 Analyzed 25
Can 151 Had 23
Will 123 Choose 22
Going 105 Analyze 19
Think 68 Explain 18
Want 53 Considered 16
Need 49 Decided 15
See 39 Evaluate 13
Make 37 Conclude 12
Find 36 Compared 12
Choose 35 Believe 12
Must 34 Talking 11
Should 32 Decide 11
Consider 31 Looking 10
Take 30 Discuss 9
Know 28 Give 9
Talk 28 Seen 9
Say 27 Analyzing 8
Recommend 26 Hope 8
Could 25 emphasize 7

Như có thể thấy, “We have” được dùng nhiều nhất, và điều này có lẽ không ngạc nhiên, bởi vì bài báo khoa học thường dùng thì quá khứ.  Tuy nhiên cũng có những động từ như can, will, go … được sử dụng với tần số khá cao.
Câu hỏi kế tiếp là họ dùng đại danh từ “We” hay “I” cho chức năng gì?  Bảng sau đây cho thấy 10 chức năng thông dụng nhất của cách sử dụng We/I.  Kết quả phân tích này cho thấy đại danh từ We/I thường được sử dụng đế phát biểu giả định nghiên cứu, mô tả qui trình nghiên cứu và hướng dẫn người đọc.
Chức năng %
Phát biểu mục tiêu 4.1
Viết câu kết luận 6.2
Đề ra kiến nghị 4.9
Hướng dẫn người đọc 19.7
Mô tả qui trình nghiên cứu 21.3
Mô tả kết quả nghiên cứu 2.4
Phát biểu giả định nghiên cứu 26.6
Nhấn mạnh (thu hút độc giả) 4.5
Phát biểu ý kiến cá nhân 7.8
Chức năng khác 2.5
Tổng số 100

Một vài cách viết phổ biến là:
With this paper, we want to give you a recommendation about how to …
We are going to consider the advantages and disadvantages of …
Thus, we can conclude that
We suggest to choose
We are going to describe the main problems
We have created a comparative table
We will center on the comparative table shown at the beginning of the paper
We refer to the accuracy
We studied the accuracy and currency of different methods
We have analyzed the data according to

Đây là một nghiên cứu thú vị, bởi vì kết quả cung cấp cho chúng ta một số bài học tốt khi viết bài báo khoa học.  Theo tôi (lại cái tôi đáng ghét!), bài học thứ nhất là nên cố gắng dùng thể passive để viết bài báo khoa học, bởi vì đó là cách “an toàn” nhất để không làm bực mình các bậc “trưởng thượng” trong ngành.  Thứ hai, nhưng cũng sử dụng thể active khi cần thiết và những tình huống cần thiết có thể thấy trong bàng số 2 trên đây.  Thứ ba, kết quả nghiên cứu cho thấy nên giữ tần số We/I dưới 1% là “an toàn”, vì đó là tần số trung bình trong một bài báo khoa học mà người ta đã cất công nghiên cứu.
http://nguyenvantuan.net/english/1000-su-dung-we-trong-van-chuong-khoa-hoc

Không có nhận xét nào: